Tỷ giá giằng co trong ngắn hạn
Trong bức tranh tài chính tiền tệ nửa đầu năm 2025, đồng Việt Nam (VND) đã mất giá gần 3% so với USD, trở thành đồng tiền giảm mạnh nhất châu Á. Song ở chiều ngược lại, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng UOB (Singapore) lại dự báo một kịch bản ổn định hơn cho tỷ giá USD/VND trong năm 2026, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng.
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô công bố mới đây của Ngân hàng UOB, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm tại Việt Nam ở mức 3,4%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Quốc hội. Mặc dù áp lực giá cả vẫn còn, đặc biệt trong nhóm lương thực, thực phẩm, song rủi ro lạm phát ngắn hạn chưa đến mức đáng ngại.
Với bối cảnh đó, các chuyên gia của UOB dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần điều chỉnh chính sách lãi suất trong phần còn lại của năm 2025. Lãi suất tái cấp vốn dự báo tiếp tục giữ ở mức 4,5%, nhằm ổn định mặt bằng chi phí vốn, hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.
UOB đồng thời lưu ý khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất chính sách thêm một lần nữa xuống mức 4,0%, thậm chí giảm tiếp xuống 3,5% trong trường hợp tình hình kinh doanh và lao động trong nước xấu đi đáng kể. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra nếu điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất. Dẫu vậy, theo đánh giá của UOB, dư địa để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất không còn nhiều, nhất là khi rủi ro tỷ giá gia tăng.
UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giằng co trong ngắn hạn. Ảnh: Ngọc Mai
Thực tế, UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giằng co trong ngắn hạn. Cụ thể, tỷ giá có thể chạm ngưỡng 26.400 VND/USD vào quý III/2025, giảm nhẹ xuống 26.200 vào quý IV, rồi tiếp tục đi xuống lần lượt còn 26.000 và 25.800 trong hai quý đầu năm 2026. Dự báo này đặt ra yêu cầu cao hơn cho điều hành chính sách tiền tệ, trong việc giữ cân bằng giữa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng.
Trước làn sóng bất ổn từ bên ngoài, nhất là từ thị trường tài chính quốc tế và các động thái chính sách của Mỹ, sự linh hoạt trong điều hành được coi là “chìa khóa” ứng phó. UOB đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước không thay đổi lãi suất trong năm 2025 là bước đi phù hợp với diễn biến hiện tại. Điều cần thiết trong giai đoạn tới là duy trì chính sách ổn định, linh hoạt ứng phó với các cú sốc từ chính sách lãi suất của Fed và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu.
Vẫn còn nhiều sức ép
Trước đó, tại Họp báo Thông tin về kết quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đã cung cấp thêm góc nhìn về diễn biến tỷ giá và những yếu tố chi phối thị trường ngoại hối trong thời gian qua.
Theo ông Quang, trong khi USD-Index đã giảm khoảng 10% từ đầu năm 2024 đến nay, đồng Việt Nam vẫn mất giá khoảng 2,7 - 2,8% so với USD. Một nguyên nhân then chốt đến từ việc Việt Nam duy trì mặt bằng lãi suất thấp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo định hướng của Chính phủ. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2024. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn nhưng cũng khiến đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Thực tế, khi lãi suất đồng USD cao hơn, nhiều tổ chức tài chính có xu hướng chuyển sang nắm giữ USD. Dòng vốn ngoại vì thế biến động mạnh, bất chấp cán cân thanh toán tổng thể vẫn ở trạng thái thặng dư. Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân khoảng 267.600 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, song bán ra tới 308.300 tỷ đồng, rút ròng khoảng 40.700 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Ông Quang cũng nhấn mạnh hàng loạt rủi ro từ bên ngoài, nổi bật là động thái chính sách từ Mỹ. Cụ thể, ngày 8/7 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng với 14 quốc gia. Động thái này được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Mỹ.
Ngoài ra, chính sách của Fed cũng là yếu tố khó lường. “Fed đã hai lần trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất, với lý do chính là những bất ổn từ chính sách thuế của Mỹ. Việc Fed điều chỉnh lãi suất phụ thuộc vào dữ liệu việc làm, nhưng các chỉ báo hiện nay chưa rõ ràng, khiến khả năng dự báo chính sách khó hơn bao giờ hết”, ông Quang cho hay.
Cùng lúc, dù lạm phát tại châu Âu và Nhật Bản đang có xu hướng giảm, tại Mỹ diễn biến vẫn bất định. Điều này khiến thị trường toàn cầu tiếp tục chịu tác động lớn, ảnh hưởng dây chuyền tới tỷ giá và lãi suất tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Theo ông Quang, cần đánh giá thận trọng mục tiêu tăng trưởng GDP, gắn với yếu tố bền vững để tránh tạo áp lực không cần thiết lên chính sách tiền tệ. Việc giữ CPI dưới ngưỡng 4,5% là mục tiêu quan trọng, và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát các chỉ báo kinh tế để điều hành chính sách phù hợp.
Trong bối cảnh hiện tại, tỷ giá USD/VND đang đứng trước nhiều thử thách. Không chỉ chịu ảnh hưởng từ chính sách lãi suất trong nước, tỷ giá còn bị tác động bởi dòng vốn ngoại, các yếu tố địa chính trị, chính sách thuế quan của Mỹ và biến động kinh tế toàn cầu. Việc duy trì ổn định chính sách tiền tệ và tạo niềm tin vào đồng nội tệ sẽ là điểm tựa để thị trường tài chính Việt Nam vượt qua giai đoạn đầy biến động này.
Sáng ngày 9/7, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) với đồng đôla Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 25.119 đồng, giảm 2 đồng so với chốt phiên ngày 8/7. Với biên độ giao dịch ±5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần được áp dụng là 26.375 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.863 VND/USD.Theo niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá mua - bán USD ở mức 23.914 VND/USD ở chiều mua vào và 26.324 VND/USD ở chiều bán ra.
Ngân Thương