6 tháng đầu năm 2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Như vậy, chỉ sau nửa năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã bơm ra thị trường gần 1,55 triệu tỷ đồng, tương đương 260.000 tỷ đồng mỗi tháng. Dự kiến, trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng hoàn toàn có thể đạt 16%, hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu trên 8%.
So với cùng kỳ 2024, tín dụng năm nay tăng tới 19,32%, mức cao nhất kể từ năm 2022. Điều này phản ánh rõ khả năng hấp thụ vốn đang phục hồi. Đặc biệt, dòng vốn đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Trong 6 tháng cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, nhất là vào lĩnh vực hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank cho biết: “Vietcombank luôn chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI trong sản xuất phục vụ xuất khẩu. Trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế, đặc biệt với các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, việc tăng cường trao đổi và đàm phán với khách hàng trong và ngoài nước, tìm giải pháp tài chính như giảm lãi suất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi sản xuất – cung ứng quốc tế là rất cần thiết”.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank chia sẻ: “Đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng, hiện có rất nhiều công trình lớn, danh mục đầu tư công ngoài ngân sách đang được thúc đẩy rất tích cực. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc triển khai các dự án. Ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó. Thực tế, chúng tôi đã hạ lãi suất và có nhiều chương trình ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp này. Với cơ chế hiện tại, việc phát triển cho vay với doanh nghiệp phát triển hạ tầng là tương đối thuận lợi, không cần thêm cơ chế mới. Ngân hàng chủ yếu chia sẻ, đồng hành, và hy sinh một phần lợi nhuận để cùng doanh nghiệp phát triển hạ tầng cho đất nước trong thời gian tới”.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định: mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 là khả thi – thậm chí có thể cao hơn nếu kiểm soát tốt lạm phát và nợ xấu. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ room tín dụng, từng là công cụ hành chính quan trọng kiểm soát tín dụng nóng giai đoạn 2011 - 2012. Việc dỡ bỏ sẽ được thực hiện đồng bộ, kết hợp các giải pháp chính sách hỗ trợ để tăng tính tự chủ cho ngân hàng, đồng thời vẫn kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định vĩ mô.
Trần Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/tang-truong-tin-dung-nam-2025-se-dat-16-345738.htm