Lạm phát năm 2025 phụ thuộc biến động thế giới và điều chỉnh giá trong nước

Lạm phát năm 2025 phụ thuộc biến động thế giới và điều chỉnh giá trong nước
7 giờ trướcBài gốc
Sáng ngày 9/7, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.
Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Phạm Văn Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025 ở Việt Nam, cơ bản giá cả thị trường diễn biến theo quy luật hàng năm, giá cả tăng vào tháng Tết do nhu cầu mua sắm của người dân tăng, sau đó hoạt động mua bán, giá cả dần trở lại bình thường sau Tết. Trong tháng 1/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,98% so với tháng trước, chủ yếu do giá một số mặt hàng phục vụ Tết tăng theo nhu cầu mua sắm.
Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa vẫn ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bước sang tháng 2/2025, CPI tiếp tục tăng 0,34%, phần lớn do giá thịt lợn tăng vì nguồn cung thiếu hụt và giá một số hàng hóa, dịch vụ tăng theo chu kỳ cao điểm Tết Nguyên đán. Đến tháng 3/2025, CPI giảm nhẹ 0,03%, chủ yếu do giá xăng dầu và gạo giảm theo xu hướng thị trường thế giới. Trong tháng 4/2025, CPI tăng nhẹ 0,07% so với tháng trước.
Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Phạm Văn Bình.
Tháng 5/2025, CPI tăng 0,16%, chủ yếu do các nhóm hàng hóa và dịch vụ như giá thuê nhà, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, điện sinh hoạt và ăn uống ngoài gia đình tăng. Tháng 6/2025 ghi nhận mức tăng CPI 0,48% so với tháng trước, nguyên nhân chính là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá xăng dầu tăng theo biến động của thị trường nhiên liệu thế giới. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, CPI bình quân tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,16%.
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025” sáng 9/7, ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2025, áp lực lạm phát được dự báo không lớn khi nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào do xuất khẩu gặp nhiều thách thức, đồng thời nhu cầu bên ngoài tăng trưởng chậm. Lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, nếu nhà nước không điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát trung bình năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.
PGS, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ dao động từ 4,0 - 4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục điều hành tiền tệ linh hoạt; Kiểm soát chi phí đầu vào; Giữ ổn định tỷ giá và giá xăng dầu; Cải thiện giải ngân đầu tư công; Tăng minh bạch thông tin và truyền thông chính sách nhất quán…
Theo TS. Lê Quốc Phương, Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, khiến giá cả khó tăng cao. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, cung hàng hóa dồi dào… giúp kiềm chế tăng giá. Mặt khác, chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tạo sức ép lên lạm phát, cùng với đó là giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện tăng theo lộ trình... CPI dự báo tăng từ 3,8 - 4,2%.
Bảo An
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/lam-phat-nam-2025-phu-thuoc-bien-dong-the-gioi-va-dieu-chinh-gia-trong-nuoc-d59771.html