Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, các số liệu mới được Cục Thống kê, Bộ Tài chính, công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ bắt đầu từ quý II/2024. Tăng trưởng GDP quý II/2025 đã đạt mức 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”
Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như một năm về trước.
“Có thể tin tưởng rằng các chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Học viện Tài chính, một điểm sáng khác là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt mức hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 538,1 nghìn người, còn thu nhập của người lao động cũng tăng 10,1% so với cùng giai đoạn của năm 2024.
Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân nói trên trong nửa đầu năm 2025 cho thấy các Nghị quyết 66 và 68 đã ngay lập tức đi vào cuộc sống, củng cố, gia tăng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào quyết tâm cải cách của Đảng, Nhà nước cũng như vào sự cải thiện của môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, công bằng hơn.
Các số liệu cũng cho thấy cùng với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, các cân đối vĩ mô vẫn được duy trì ổn định. Lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý là 3,27%, thấp hơn mức mục tiêu 4 - 4,5% rất nhiều.
Mặc dù các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 rất tích cực, những thách thức trong 6 tháng cuối năm cũng rất lớn. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng cũng đánh giá, bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo không thuận lợi.
Cùng với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Ở trong nước, việc cung tiền, tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới.
Điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan.
Để có thể đưa ra những dự báo sát thực tế về bức tranh thị trường, giá cả tại Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2025, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó trong thời gian tới, lãnh đạo Học viện Tài chính đề nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học phân tích rõ các xu hướng, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường giá cả trong nửa đầu năm 2025.
Trong đó, tập trung phân tích, dự báo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các yếu tố tác động như cung tiền, lãi suất, tỷ giá, giá nguyên vật liệu...; dự báo, đánh giá tác động của chính sách thuế quan tại Mỹ đến triển vọng xuất khẩu, tăng trưởng của Việt Nam và đề xuất các giải pháp; phân tích, dự báo giá cả của các thị trường tài sản như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu...
Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá về diễn biễn giá nửa đầu và nửa cuối năm 2025, trên cơ sở đó các cơ quan chuyên môn có cơ sở tham vấn cho Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá.
Hải Linh