Kiểm soát lạm phát 2025: Những kịch bản và biến số
Tại Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm, dự báo những tháng cuối năm do Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 9/7, các chuyên gia cho rằng áp lực tăng lạm phát những tháng cuối năm 2025 là khá lớn, song với những kinh nghiệm trong công tác quản lý giá những năm qua, mục tiêu về lạm phát năm 2025 (trong khoảng 4-4,5%) của Chính phủ có thể sẽ vẫn đạt được.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Trang.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức phù hợp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nguồn lực được tập trung đẩy mạnh để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất; lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát trong giới hạn mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề từ 4,5% - 5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2025 còn tiểm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.
Ảnh:Viện Kinh tế - Tài chính.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát trung bình so với cùng kỳ cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2015-2024 chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá dịch vụ y tế tăng mạnh.
Các áp lực lên lạm phát từ tỷ giá được giá xăng dầu trung hòa. Trong 6 tháng cuối năm 2025, áp lực lạm phát được dự báo không lớn khi nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào do xuất khẩu gặp nhiều thách thức, đồng thời nhu cầu bên ngoài tăng trưởng chậm.
Lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, nếu Nhà nước không điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát trung bình năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%.
“Với giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%”, TS Nguyễn Đức Độ dự báo.
Trong một góc nhìn khác, ông Phạm Minh Thụy, Phó trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế tài chính (Viện Kinh tế - Tài chính) cho rằng, năm 2025, giá cả thị trường Việt Nam tiếp tục biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn vào biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới.
Diễn biến giá cả ở Việt Nam năm 2025 vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và các xung đột địa chính trị trên thế giới; Tình hình đàm phán về thuế đối ứng giữa Mỹ với Việt Nam và các đối tác thương mại khác; Dự báo giá bình quân các loại hàng hóa trên thị trường thế giới năm 2025 có thể sẽ giảm từ 4,0-7,0% so với năm 2024 (trong đó giá dầu thô có thể giảm từ 6- 10%).
Tình hình kinh tế thế giới có thể có những bất ổn, khó lường (căng thẳng địa chính trị; thay đổi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia...) làm cho giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới biến động rất khó lường. Những biến động này sẽ ảnh hưởng ngay tới thị trường, giá cả ở Việt Nam.
Ở trong nước, các cơ quan có thẩm quyền sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình đã định trước (giá điện, các hàng hóa gây tác động xấu tới môi trường...). Những hoạt động này sẽ có tác dụng lan truyền làm tăng CPI ở Việt Nam qua nhiều vòng tác động.
Tình hình thiên tai, dịch bệnh (bão lũ...) trong nước có thể diễn biến phức tạp và sẽ làm biến động thị trường, giá cả hàng hóa....
“CPI của Việt Nam bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng CPI bình quân nằm trong nhóm trung bình của 10 năm qua (từ 2016-2025). Dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2025 so với năm 2024 sẽ tăng ở mức từ 3,3 - 3,9%”, ông Thụy nói.
PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế lại đưa ra 3 kịch bản dự báo cho CPI năm 2025 và kịch bản của Tổ điều hành giá, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước:
Kịch bản cơ sở CPI bình quân năm 2025 duy trì quanh 4–4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản giữ dưới 4%.
Kịch bản bất lợi nếu giá dầu tăng sốc và tỷ giá biến động mạnh, CPI cả năm có thể vượt 4,8–5,2%, đòi hỏi điều hành chính sách mạnh mẽ hơn.
Kịch bản tích cực nếu giá nguyên liệu quốc tế hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, và giải pháp kiểm soát giá dịch vụ công hiệu quả, CPI có thể duy trì 3,8–4%.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong nhiều sức ép đẩy giá tăng nhưng CPI 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát thành công. Thành công đó nhờ phối hợp chính sách chặt chẽ và linh hoạt. Trong đó Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và không tạo cú sốc theo hướng đi trước một bước nhưng không thắt chặt quá mức.
Tốc độ tăng CPI hàng tháng trong 6 tháng cuối năm giai đoạn 2015-2024. Ảnh: Cục Thống kê, Bộ Tài chính.
Giải pháp kiểm soát lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2025
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát CPI như nghị quyết Quốc hội đã đề ra trong biên độ 4–4,5%, cần đồng bộ các nhóm giải pháp.
Đầu tiên là chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ nhưng kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước (SBV) duy trì lãi suất ổn định, sẵn sàng điều chỉnh nếu USD tăng mạnh. Tín dụng hướng tới các lĩnh vực thiết yếu như xuất khẩu, sản xuất để tránh gây áp lực giá. Tỷ giá được điều hành “thả nổi có kiểm soát”, dự trữ ngoại hối đảm bảo. SBV cũng chủ động bơm/hút tiền trên thị trường mở để kiểm soát thanh khoản, ngăn lạm phát ngắn hạn.
Đồng thời, chính sách tài khóa & đầu tư công, hỗ trợ có kiểm soát. Chính phủ chưa điều chỉnh các sắc thuế lớn như VAT, thuế xăng dầu nhằm hạn chế chi phí đẩy. Giải ngân đầu tư công đạt 36% nửa đầu năm, tập trung vào hạ tầng, tăng cung trung hạn, không gây cầu ngắn hạn. Các gói hỗ trợ xã hội - y tế - năng lượng chỉ tập trung vào nhóm yếu thế, tránh kích cầu đại trà.
Cùng đó là chính sách thương mại – kiểm soát giá đầu vào, ổn định thị trường. Giá xăng dầu trong nước được giữ ổn định nhờ Quỹ Bình ổn, bất chấp biến động giá dầu thế giới (giá RON95 ở mức 22.000–24.000 đồng/lít). Nguồn nhập khẩu nông sản từ ASEAN, Nga được tăng cường để ổn định giá thực phẩm. Xuất siêu 7,63 tỷ USD nửa đầu năm giúp ổn định tỷ giá và giảm áp lực lạm phát nhập khẩu.
Việc điều chỉnh giá điện, y tế, giáo dục được thực hiện theo lộ trình đã công bố, tránh gây sốc giá. Giá thực phẩm – chiếm khoảng 1/3 rổ CPI – được kiểm soát tốt, chỉ tăng nhẹ. Cơ quan thống kê công khai số liệu CPI và lạm phát cơ bản hằng tháng, giúp ổn định kỳ vọng thị trường; Chủ động ứng phó với các biến động rủi ro thị trường quốc tế; Tăng cường phối hợp chính sách & truyền thông minh.
“Các giải pháp điều hành trong 6 tháng cuối năm cần được chuẩn bị bài bản, không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn tạo dựng được niềm tin vững chắc với doanh nghiệp và người dân. Sự phối hợp giữa tiền tệ, tài khóa, thương mại và truyền thông chính sách minh bạch sẽ giúp kiểm soát tốt lạm phát dù có biến động từ giá dầu, tỷ giá và cầu cuối năm. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành mục tiêu CPI cả năm ~4% và GDP ~8%”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.
Trang Mai