Chùa Chuông - huyền thoại linh thiêng giữa lòng Phố Hiến xưa

Chùa Chuông - huyền thoại linh thiêng giữa lòng Phố Hiến xưa
7 giờ trướcBài gốc
Giữa thôn Nhân Dục yên bình của thành phố Hưng Yên, nơi từng là trung tâm phồn hoa của Phố Hiến xưa, chùa Chuông – hay Kim Chung Tự – lặng lẽ soi bóng bên ao Mắt Rồng. Không ồn ào, không phô trương, ngôi chùa cổ như một cõi an trú cho tâm hồn, gìn giữ linh khí đất trời qua hơn 500 năm tồn tại, lắng đọng từng lớp bụi thời gian và ký ức văn hóa.
Tam quan chùa Chuông (Kim Chung Tự) tại TP Hưng Yên
Theo Thượng tọa Thích Thanh Khuê, trụ trì chùa Chuông, chùa được khởi dựng từ thời Lê, nhưng tương truyền rằng: "Chùa Chuông là một trong những ngôi chùa sớm của Việt Nam, đã ngót nghét 2.000 năm lịch sử. Tên gọi Kim Chung Tự, tức là chùa Chuông vàng, bắt nguồn từ một truyền thuyết rất linh thiêng: có trận đại hồng thủy lớn, một quả chuông vàng trôi dạt về làng Nhân Dục. Nhiều nơi muốn rước nhưng không nơi nào rước được, đến đây thì sư tổ cùng dân làng làm lễ và rước chuông thành công. Tiếng chuông thỉnh lên chấn động cả đất trời, được xem là vật báu trời ban, nên đặt tên chùa là Kim Chung Tự."
Thượng tọa Thích Thanh Khuê - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giao Việt Nam tỉnh Hưng Yên, trụ trì chùa Chuông.
Cảnh sắc chùa Chuông mang dáng dấp như một kinh thành Huế thu nhỏ với bố cục “nội công ngoại quốc”, từ cổng Tam quan chạm khắc hình tứ linh, mái đao cong vút, đến ba nhịp cầu đá cổ bắc ngang qua ao Mắt Rồng – nơi mà theo triết lý Phật giáo, là ranh giới mong manh giữa thiện và ác.
Cây cầu đá bắc ngang qua ao Mắt Rồng tượng trưng cho ranh giới giữa thiện và ác.
Chị Trần Thị Phương Hoa, Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến, chia sẻ: "Ao Mắt Rồng tượng trưng cho thiện và ác – hai mặt song hành trong mỗi con người. Cây cầu đá được xây từ năm 1702 không chỉ nối hai bờ nước, mà còn là biểu tượng của sự giác ngộ: vượt qua sự phân ranh giữa sáng và tối trong tâm".
Không gian tĩnh tại mở ra sau cánh cổng cổ là khoảng sân Thiên Tỉnh, nơi được coi là “tâm linh” của trời đất. Giữa sân là cây hương đá cổ có từ năm 1702, bốn mặt khắc chữ Hán ghi lại lịch sử trùng tu chùa, cũng là nơi Phật tử thành tâm gửi gắm nguyện vọng.
Cây hương đá cổ kính tọa lạc giữa sân chùa
"Cây hương đá là thạch trụ, trục vũ trụ nối giữa trời và đất, là nơi người đời truyền đạt điều thiêng liêng lên cõi cao" – chị Hoa nói thêm.
Bên trong Thượng điện và dãy hành lang là hệ thống tượng Phật và Hộ Pháp phong phú bậc nhất, nổi bật là bộ Thập Bát La Hán bằng đất sét mộc – một kiệt tác nghệ thuật dân gian thế kỷ 16.
Hệ thống tượng quý giá tại chùa Chuông
"Tượng La Hán của chùa Chuông là bộ tượng đẹp nhất Việt Nam về chất liệu đất sét, thể hiện các vị đang tìm con đường cứu khổ cho chúng sinh" – Thượng tọa Thích Thanh Khuê khẳng định.
Bộ tượng La Hán nổi tiếng tại chùa Chuông
Chị Phương Hoa cũng nhấn mạnh triết lý nhân quả thể hiện sâu sắc trong các pho tượng như Thập Điện Diêm Vương, Tứ Thiên Vương, Bát bộ Kim Cương: "Đó là lời nhắc nhở con người sống thiện, xa điều ác. Ngôi chùa như một không gian đạo đức mở ra giữa đời thực", chị Hoa nói.
Không gian thanh tịnh bên trong chùa Chuông .
Vào những ngày rằm, mùng một hay Đại lễ Phật Đản, du khách từ khắp nơi về đây lễ Phật, ngắm cảnh, tĩnh tâm. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (tỉnh Thái Bình) bày tỏ: "Tôi cảm thấy bị hút vào chùa. Có gì đó rất linh thiêng, an yên và tâm tôi thật thoải mái. Một năm đi ba bốn lần, lần nào cũng như trở về".
Chùa Chuông không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là biểu tượng sống động của văn hóa tâm linh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong lời giảng của Thượng tọa, trong bước chân nhẹ nhàng của du khách, trong khói hương bảng lảng và tiếng chuông ngân xa, ngôi chùa vẫn mãi là điểm tựa bình yên giữa nhịp sống hiện đại xô bồ.
Trần Liên
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chua-chuong-huyen-thoai-linh-thieng-giua-long-pho-hien-xua-2100155.html