Chùa cổ gần 300 tuổi có trăm 'báu vật' thếp vàng hút khách chiêm bái ở TPHCM

Chùa cổ gần 300 tuổi có trăm 'báu vật' thếp vàng hút khách chiêm bái ở TPHCM
4 giờ trướcBài gốc
Tam quan ngôi chùa cổ Giác Lâm. Ảnh: Hà Nguyễn
Cổ tự gần 300 tuổi
Ẩn trong khuôn viên rộng lớn, rợp bóng cây xanh, chùa Giác Lâm hay còn gọi là Tổ đình Giác Lâm (quận 5, TPHCM) có khung cảnh yên bình, thanh tịnh.
Sau cổng tam quan to lớn, du khách dễ dàng trông thấy bảo tháp xá lợi cao vút.
Bảo tháp xá lợi cao vút của chùa. Ảnh: Hà Nguyễn
Khác với nhiều cổ tự, cổng nhị quan của chùa Giác Lâm nổi bật với tượng 2 con sư tử chầu ở hai góc cổng theo văn hóa phương Tây.
Cổng nhị quan của chùa không có cửa trổ thẳng vào chính điện. Khách vào chùa bằng hai cửa nhỏ ở hai bên.
Cổng nhị quan. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo các tài liệu tại chùa, Giác Lâm cổ tự được thành lập năm 1744 do cư sĩ người Minh Hương tên Lý Thụy Long xây cất. Ngôi cổ tự còn các tên gọi khác như: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Thuở sơ khai, chùa chỉ là một ngôi nhà tranh vách đất.
Sau khi xây cất, tu sĩ Lý Thụy Long giao ngôi chùa lá cho Thiền sư Phật Ý chăm sóc. Ít lâu sau, Thiền sư Phật Ý giao chùa cho đệ tử của mình là Thiền sư Viên Quang làm trụ trì.
Lối vào chính điện của chùa. Ảnh: Hà Nguyễn
Từ đó đến nay, chùa Giác Lâm đã trải qua 11 đời trụ trì và có nhiều đợt đại trùng tu. Tính đến nay, ngôi cổ tự đã tồn tại gần 300 năm và là một trong những chùa cổ nhất tại TPHCM.
Trong tác phẩm Chùa Giác Lâm di tích lịch sử văn hóa, PGS.TS Trần Hồng Liên viết: “Chùa có cấu trúc mặt bằng dạng chữ tam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cấu trúc này là sự biến thể từ dạng cấu trúc 'nội công - ngoại quốc'. Đây là sự kế thừa của nhiều chùa cổ ở miền Bắc”.
Mái chùa được thiết kế theo hình bánh ít, lợp ngói âm dương bên trên trang trí họa tiết “lưỡng long tranh châu” đẹp mắt bằng gốm.
Mái chùa lợp ngói âm dương với phần đỉnh trang trí họa tiết “lưỡng long tranh châu” bằng gốm. Ảnh: Hà Nguyễn
Đỉnh tường của chính điện và một số hạng mục khác ở chùa được trang trí bằng hơn 7.000 đĩa men sứ xưa. Cách trang trí này giúp chùa Giác Lâm sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam.
Chính điện chùa Giác Lâm xây dựng theo lối kiến trúc 1 gian 2 chái, có 4 cột chính được gọi là tứ trụ, bài trí theo kiểu “tiên bái Phật, hậu bái tổ”. Tại đây còn nhiều hàng cột gỗ khác khắc, treo liễn đối, hoành phi sơn son thếp vàng.
Đỉnh các bức tường ở chính điện và một số hạng mục khác tại chùa được trang trí bằng các loại đĩa men sứ xưa. Ảnh: Hà Nguyễn
Hệ thống bao lam dày đặc tại chính điện của chùa Giác Lâm được chạm trổ công phu nhiều họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp mắt với đa dạng đề tài. Các bao lam này cũng được sơn son thếp vàng rực rỡ.
Sát vách tường 2 bên chính điện là nhiều tượng thờ nhuốm màu thời gian. Giữa chính điện có ban thờ 7 bậc theo hướng cao dần về phía sau. Tại đây bài trí tượng thờ như: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc… và bộ tượng 5 vị.
Hệ thống bao lam chạm trổ tinh xảo nhiều họa tiết trang trí với đa dạng đề tài tại chính điện của chùa được sơn son thếp vàng rực rỡ. Ảnh: Hà Nguyễn
Trăm “bảo vật” thếp vàng
Ngoài vẻ đẹp, giá trị kiến trúc, chùa Giác Lâm còn lưu giữ hệ thống tượng thờ cổ số lượng lớn và quý hiếm. Hiện, chùa còn lưu giữ 113 pho tượng cổ. Hầu hết các tượng được tạo tác từ gỗ, chỉ có 7 tượng làm bằng đồng.
Chính điện chùa Giác Lâm với những tượng thờ cổ. Ảnh: Hà Nguyễn
Nhiều tượng quý như: Tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc, Thế Chí Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng 18 vị La Hán, tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ sư Đạt Ma, tượng Long Vương, bộ tượng 5 vị...
Tượng Phật A Di Đà kích thước lớn uy nghi, sơn son thếp vàng được bài trí ở chính giữa điện thờ. Ảnh: Hà Nguyễn
Qua nghiên cứu, PGS.TS Trần Hồng Liên nhận định, các tượng thờ tại chùa Giác Lâm có niên đại khác nhau. Tuy nhiên, các tượng chủ yếu ở 2 giai đoạn chính là giữa thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.
Trong số này, bộ tượng 5 vị tại chùa Giác Lâm được xem là đặc biệt nhất. Các tượng thờ này được chế tác từ gỗ mít nài (loại cây gỗ lớn cao khoảng từ 15-20m), thếp vàng, cao 80cm và có niên đại từ thế kỷ XIX.
Bộ tượng cổ 5 vị bằng gỗ mít nài được xem là đặc biệt nhất của chùa Giác Lâm. Ảnh: Hà Nguyễn
Bộ tượng được bài trí ở chính điện với tượng Phật Thích Ca ở giữa, ngồi trên tòa sen làm bệ đỡ.
Bốn tượng Bồ Tát còn lại đều ngồi lên một bên lưng con vật gồm: Phổ Hiền Bồ Tát ngồi trên mình voi, tay cầm nhánh sen hồng, Đại Thế Chí Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát cưỡi sư tử, tay cầm cuốn thư. Trong khi đó, Văn Thù Bồ Tát tay cầm nhành Như Ý, cưỡi sư tử. Các con vật đều nằm phủ phục.
Bộ tượng được thếp vàng, có niên đại từ thế kỷ XIX. Ảnh: Hà Nguyễn
Một vị sư tại chùa cho biết, các tượng này đều có tuổi đời ngoài trăm năm. “Đặc biệt, tượng được thếp vàng thật.
Đây đều là những pho tượng rất quý, chùa xem như bảo vật và cố gắng gìn giữ nguyên hiện trạng từ xưa đến nay.
Hai bên hành lang chính điện có các tượng thờ nhuốm màu thời gian. Ảnh: Hà Nguyễn
Để tượng không hư hại, chùa luôn bảo quản, vệ sinh, quét bụi. Vào những ngày lễ lớn như Phật đản, chùa vệ sinh, lau chùi tượng trong sự tỉ mỉ, cận trọng tối đa”, vị sư thầy này cho biết.
Khách đến tham quan, chiêm bái chùa. Ảnh: Hà Nguyễn
Chính vì những điểm đặc biệt như trên, mỗi ngày, chùa Giác Lâm đón rất nhiều lượt khách đến tham quan, chiêm bái.
Chùa Giác Lâm được xem là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông tại miền Nam. Chùa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988.
Hà Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chua-co-gan-300-tuoi-co-tram-bau-vat-thep-vang-hut-khach-chiem-bai-o-tphcm-2403382.html