9 Hạt giao thông các huyện ở Hải Dương đã giải thể từ 1/1. Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm đến dự lễ công bố quyết định giải thể Hạt giao thông huyện Nam Sách
Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương vừa có văn bản trả lời về việc xác định mô hình của hạt giao thông thuộc UBND các huyện.
Trước đó, sau khi thực hiện giải thể 9 hạt giao thông ở các huyện từ ngày 1/1, lãnh đạo và nhân viên một số hạt đường bộ cấp huyện trong tỉnh có đơn đề nghị xác định rõ hạt đường bộ có phải đơn vị sự nghiệp công lập và lãnh đạo hạt có phải viên chức hay không?
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp cùng các đơn vị có liên quan xác định rõ nội dung này.
Về mô hình hạt giao thông, Sở Nội vụ đã có văn bản hỏi Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải và đã nhận được văn bản trả lời. Mô hình và cơ cấu tổ chức của hạt giao thông thuộc UBND cấp tỉnh, huyện do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định và thẩm quyền.
Các hạt giao thông đang thực hiện nhiệm vụ được giao và nhiều năm nay, tỉnh Hải Dương không giao biên chế cho các hạt vì không được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập. Mặt khác, nhân sự của hạt có lãnh đạo, kế toán, kỹ sư, còn lại là công nhân duy tu, bảo dưỡng.
Do đó, chưa đủ cơ sở để xác định mô hình hạt giao thông thuộc các huyện trong tỉnh Hải Dương là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp.
Đối với người làm việc tại hạt giao thông, tổng số chỉ tiêu được giao từ năm 1998 theo Quyết định số 1189/1998/QĐ-UB cho các hạt trong toàn tỉnh là 285 người, trong đó có 53 lao động gián tiếp.
Căn cứ chỉ tiêu này, các đơn vị ký hợp đồng với người lao động, không qua tuyển dụng. Ngoài ra, một số UBND huyện bố trí người đã là cán bộ, công chức, viên chức làm lãnh đạo hạt.
Về chế độ tiền lương, đa số người làm việc tại hạt thực hiện chế độ lương theo bậc thợ. Việc thi nâng bậc thợ công nhân duy tu bảo dưỡng dựa vào việc thi nâng bậc cho công nhân làm cơ sở nâng bậc lương.
Việc giải quyết chế độ sau giải thể sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, người trước khi chuyển đến hạt giao thông làm việc là cán bộ, công chức, viên chức thì UBND các huyện rà soát, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với công chức, viên chức, vị trí việc làm được phê duyệt còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện thì quan tâm xem xét, tiếp nhận theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với người không có nhu cầu chuyển sang làm công chức, viên chức thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND các huyện thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết chế độ, trợ cấp thôi việc cho công nhân và người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
PHONG TUYẾT