Ông đánh giá thế nào về vai trò công cụ room tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN?
NHNN đã sử dụng room tín dụng như “van an toàn” để kiểm soát rủi ro mang tính hệ thống, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá và rủi ro nợ xấu. Việc kiểm soát chặt chẽ lượng vốn bơm ra thị trường thông qua kiểm soát room đã giúp hạn chế tình trạng tín dụng tăng nóng, từ đó giữ được sự ổn định chung.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng vốn cho khách hàng, NHNN cũng đã linh hoạt hơn trong việc phân bổ tín dụng. Đơn cử như năm 2024, thay vì cấp room từng đợt như những năm trước đó, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng; và tùy tình hình thực tế, NHNN tiếp tục nới room tín dụng đối với những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt. Với sự linh hoạt đó, thời gian qua các TCTD tăng trưởng tín dụng chủ động, tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến thời điểm này vẫn phải khẳng định, room tín dụng đã cho thấy hiệu quả và là một công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ.
Theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, NHNN nghiên cứu lộ trình bỏ cơ chế room tín dụng. Ông đánh giá tính khả thi của vấn đề này?
Theo tôi, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để có thể bỏ room tín dụng. Bài học từ giai đoạn 2007-2010 vẫn còn, khi tăng trưởng tín dụng quá nóng đã khiến lạm phát bùng phát, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay theo định hướng đa mục tiêu, không chỉ góp phần kiểm soát lạm phát mà còn ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc bỏ công cụ room tín dụng có thể gây khó khăn cho điều tiết dòng vốn ra nền kinh tế một cách hiệu quả.
Việc bỏ room tín dụng đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hạn để những bên liên quan có thời gian thích nghi. Trong thời gian đó, room tín dụng phải được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, từng giai đoạn, bối cảnh khác nhau. Nhà điều hành phải làm sao để đưa ra lộ trình hợp lý, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vừa bảo vệ được sự an toàn, ổn định của hệ thống. Ở phía các ngân hàng cũng cần phải tự củng cố “sức khỏe” tài chính thông qua việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro và gia tăng hệ số an toàn vốn.
Vậy cần có những yếu tố nào nếu muốn bỏ room tín dụng, thưa ông?
Để xây dựng một lộ trình bỏ room tín dụng thích hợp, NHNN cần nâng cao công tác dự báo, giảm độ trễ của chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN gia tăng hiệu quả của các công cụ thị trường như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất điều hành, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tỷ giá hối đoái… Trong tương lai, khi không còn sử dụng room tín dụng, các công cụ này phải được vận hành linh hoạt hơn, theo thời gian thực và cho từng phân khúc ngân hàng. Khi đó, tăng trưởng tín dụng mới thực sự theo đúng cơ chế thị trường mà không gây ra các rủi ro hệ thống.
Ngoài ra, NHNN cần áp dụng các công cụ quản lý tín dụng hiện đại và dựa trên dữ liệu. Việc áp dụng mô hình định lượng, kết hợp sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cơ quan điều hành phân tích, dự báo và ra quyết định chính xác hơn trong việc kiểm soát cung - cầu tín dụng.
Phải khẳng định, kể cả khi bỏ cơ chế cấp room tín dụng không có nghĩa NHNN hoàn toàn buông lỏng kiểm soát thị trường tín dụng. Nếu các công cụ điều tiết thị trường của NHNN được vận hành linh hoạt, hiệu quả, cùng với sự nâng cấp hệ thống giám sát và quản trị rủi ro trong từng ngân hàng, thì nỗi lo về việc các ngân hàng cho vay quá mức cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Hạ Chi