Chùa Trà Quýt cũ được xây dựng cách đây khoảng 142 năm. Khi đó, chùa có kiến trúc rất đơn sơ, chánh điện, tăng xá, sala xây dựng bằng cây, lợp lá theo nét văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.
Chùa Ta Kúch Chắs hay còn gọi là chùa Trà Quýt ở Sóc Trăng. Ảnh: T.X
Người dân cố cựu ở gần chùa kể, thuở xưa, nơi đây có người dân tên Quýt, có uy tín trong phum sóc đã tập hợp người dân lại đóng góp tiền xây dựng chùa. Bản thân ông Quýt đứng ra hướng dẫn xây dựng chánh điện và nhiều công trình khác trong chùa.
Từ đó, nhà chùa cũng lấy tên ông để đặt tên nhằm tri ân công lao xây dựng chùa. Vào năm 2020, ngôi chánh điện chùa xuống cấp trầm trọng nên được xây dựng mới, đến cuối năm 2022 hoàn thành.
Chánh điện mới được thiết kế theo lối kiến trúc nét đặc sắc của Phật giáo Nam tông Khmer, chiều dài 24m, rộng 12m, cao 19,5m, với các tinh hoa văn hóa dân tộc. Cùng với đó là những pho tượng, bức phù điêu về Phật Thích Ca và nhiều linh vật, chim thần...
Những cây thốt nốt trong khuôn viên chùa tạo nên mảng xanh tươi mát. Ảnh: T.X
Hàng thốt nốt trồng trước cửa chùa. Ảnh: T.X
Sau khi ngôi chính điện mới hoàn thành đã thu hút rất nhiều du khách đến chiêm bái, tham quan nét đẹp của ngôi chùa.
Đại đức Kim Sang, Trụ trì chùa Trà Quýt cho biết: "Chùa Trà Quýt là nét đẹp văn hóa tâm linh được truyền thừa nhiều thế hệ. Chùa không những thờ Phật mà còn là nơi trau dồi hạnh tu tâm dưỡng tánh, xây dựng đạo đức làm người. Đây cũng là nơi gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc người Khmer, phục vụ cho nhu cầu tôn giáo của sư sãi và phật tử".
Trồng hàng trăm cây thốt nốt cổ thụ
Không chỉ có sức hút về mặt kiến trúc, chùa Trà Quýt còn thu hút du khách gần xa nhờ vào nét đẹp của các mảng xanh, trong đó, đặc biệt nổi bật là các cây thốt nốt. Hầu như khắp nơi trong khuôn viên chùa đều có cây thốt nốt.
Đây là điều đặc biệt nhất so với những chùa Khmer khác - vì đa phần chùa Khmer ở Nam Bộ chỉ trồng các loại cây sao, dầu...
Theo đó, chùa có khuôn viên rộng gần 17.000m2. Trước đây, khi chưa xây dựng tháp cốt và chánh điện mới, chùa có khoảng 400 cây thốt nốt. Về sau, khi chùa xây dựng lại chánh điện và nhiều công trình nên đốn bỏ vài trăm cây thốt nốt, hiện nơi đây còn khoảng 200 cây.
Theo Đại đức Kim Sang, hơn 30 năm trước, sư cả đời thứ 7 của chùa đến thăm những ngôi chùa ở vùng đất An Giang rồi đem trái thốt nốt về lấy hột trồng trong khuôn viên chùa. Cây thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên sinh trưởng tốt, cho trái nhiều.
"Cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang. Nhờ những sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt như làm nước giải khát, làm bánh, làm đường tạo thêm sinh kế cho người dân. Từ đó, sư cả đời thứ 7 đã đem hột về trồng với mục đích cho bà con địa phương khai thác để phục vụ cho cuộc sống và kiếm thêm thu nhập", Đại đức Kim Sang nói.
Thốt nốt ở chùa được trồng từ hột, hoàn toàn không chăm sóc nhưng lại phát triển rất tốt, trái trĩu cành, mỗi cây có nhiều buồng trái, mỗi buồng vài chục trái.
Kiến trúc độc đáo cũng là điểm thu hút ngôi chùa này. Ảnh: T.X
Ông Trà Văn Phai, Trưởng ban quản trị chùa Trà Quýt cho biết, ngoài tạo cảnh quan, bóng mát, cây thốt nốt cho trái dùng để làm đường hay nước giải khát... Những năm trước bà con đến lấy nước nấu làm đường, lá làm chuồng nuôi dơi lấy phân. Nhà chùa luôn tạo điều kiện miễn phí để bà con khai thác nguồn lợi của cây thốt nốt.
“Nhiều năm trước, người dân rành khai thác mật thốt nốt, họ thường leo cây lên thu hoạch đem về nấu đường rồi bán hoặc cho chùa làm tương hột. Sau này, họ lớn tuổi không dám mạo hiểm leo cao nên không ai đến lấy mật nữa", ông Phai chia sẻ.
Cây thốt nốt trong chùa cho trái. Ảnh: T.X
Đến nay, chùa Trà Quýt trải qua 8 đời trụ trì. Trong từng giai đoạn hình thành và phát triển của chùa, mỗi vị trụ trì đều có công đóng góp to lớn trong việc xây dựng, trùng tu, bảo quản chùa, duy trì sinh hoạt lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hoài Thanh