Chuẩn bị đêm trước cho một kỷ nguyên mới

Chuẩn bị đêm trước cho một kỷ nguyên mới
5 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, ở Việt Nam đang nói nhiều về một kỷ nguyên mới của đất nước. Đây là một ý tưởng, một quyết tâm mà nhà lãnh đạo cao nhất gần đây đề cập nhiều lần và đang mang đến một hy vọng trong dân chúng. Hy vọng kỷ nguyên mới sẽ là thời đại của một Việt Nam phát triển vượt bậc, trở thành một đất nước giàu mạnh, có vị trí cao trên vũ đài quốc tế. Mốc bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội Đảng XIV, dự kiến đầu năm 2026.
Nhưng để không khí về một kỷ nguyên mới thật sự sôi nổi, lan tỏa rộng trong dân và biến thành hành động cụ thể, chẳng hạn doanh nghiệp hăng hái chuẩn bị đầu tư, đổi mới sáng tạo, cần thấy một thời khắc chuẩn bị mở màn cho kỷ nguyên mới. Thời khắc đó là “đêm trước” của kỷ nguyên mới. Nếu kỷ nguyên mới bắt đầu vào đầu năm 2026 thì năm 2025 sẽ là đêm trước, lãnh đạo cần sớm đưa ra các cải cách, các chiến lược, chính sách có sức thuyết phục và cho thấy khả năng thực hiện mới tạo ra không khí hồ hởi, phấn chấn, lạc quan, tin tưởng trong dân, từ đó các nguồn lực mới được động viên vào công cuộc xây dựng đất nước, thật sự mở ra một thời đại mới. Cần có những thay đổi lớn nào trong năm 2025 để toàn dân thực sự hy vọng vào một kỷ nguyên mới?
Cầu Nhật Tân rực rỡ về đêm. Ảnh: Hoàng Anh
Đêm trước của một kỷ nguyên: Kinh nghiệm Nhật Bản
Trước khi bàn tiếp chuyện Việt Nam ta thử xem kinh nghiệm của Nhật Bản. Nhật Bản có một thời đại phát triển rực rỡ từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970. Nhiều nhà nghiên cứu gọi thời kỳ đó là một kỷ nguyên phát triển thần kỳ, kinh tế trung bình tăng trưởng 10% mỗi năm và kéo dài tới 18 năm, một hiện tượng xuất hiện lần đầu trong lịch sử thế giới vào thời đó. Kỷ nguyên này đã biến Nhật Bản từ nước thu nhập trung bình cao lên một quốc gia có thu nhập cao, một cường quốc công nghiệp vào cuối thập niên 1960. Thử nhìn lại xã hội Nhật Bản vào đêm trước của kỷ nguyên này.
Đêm trước đó có thể hình dung bằng một một câu ngắn: người dân tin tưởng vào tương lai của đất nước, ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng và thấy có trách nhiệm để làm cho giấc mơ trở thành hiện thực. Không khí nói chung là như vậy nhưng ai là những người dẫn dắt dư luận để tạo ra niềm tin và thổi vào tâm hồn người dân giấc mơ đó? Đó là lãnh đạo chính trị, là trí thức, là lãnh đạo doanh nghiệp.
GS. Trần Văn Thọ. Ảnh: Hữu Nghị
Sách trắng kinh tế (bản báo cáo kinh tế thường niên của chính phủ) năm 1956 đưa ra một câu bất hủ, trở thành phương châm lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo và được truyền tụng mãi khi bàn luận về lịch sử Nhật Bản từ khi chấm dứt Thế chiến II: Đã qua rồi thời hậu chiến! Câu này ý nói qua 10 năm hậu chiến Nhật Bản đã phục hồi được kinh tế và những yếu tố phát triển của thời phục hưng kinh tế đã hết, bây giờ phải có tư duy mới, cơ chế mới, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới với những yếu tố mới để đưa đất nước đến chân trời mới. Câu nói đã qua rồi thời hậu chiến đã trở thành bất hủ vì nó đi ngay vào lòng người, được cảm nhận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nghiệp, trí thức và cả đến nhiều người lao động.
Thế rồi xã hội Nhật dấy lên một không khí bàn luận sôi nổi về khả năng và chiến lược của Nhật Bản trong giai đoạn mới. Lúc này xuất hiện một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất có hoài bão lớn, có tầm nhìn xa, lắng nghe trí thức và biết kết hợp trí tuệ của trí thức, của chuyên gia. Đó là Ikeda Hayato (1899-1965), lúc đó là Bộ trưởng Tài chánh. Ông tiếp nhận ý tưởng “đã qua rồi thời hậu chiến” và chủ trương phải bắt đầu thời đại phát triển, làm sao để toàn dụng lao động mới cải thiện hẳn cuộc sống của dân chúng.
Nhưng ông không rõ tiềm năng của Nhật. Trong lúc suy nghĩ về tương lai đất nước và đọc các ý kiến tranh luận của trí thức về tiềm năng của Nhật, Ikeda chú ý đến ý kiến của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro viết trên một tạp chí về khả năng tăng gấp đôi thu nhập của người dân và ý kiến của nhà kinh tế Shimomura Osamu về hai yếu tố lớn có thể làm Nhật phát triển rất nhanh. Đó là tỉ lệ tiết kiệm đang cao trong dân chúng và sự chênh lệch khá lớn về công nghệ giữa Nhật và các nước Âu - Mỹ mà tình hình quốc tế lúc đó rất thuận lợi để Nhật du nhập công nghệ, từng bước rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến. Hai yếu tố này là tiền đề để tăng tỉ lệ đầu tư, đẩy mạnh tích lũy tư bản trong điều kiện có hiệu quả nhất.
Ikeda đã lấy ý của Nakayama và tham khảo phân tích của Shimomura để lập ra Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân, làm tuyên ngôn chính trị trong cuộc tranh cử đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ. Ông đã thắng cử và trở thành thủ tướng năm 1960 và chiến lược nổi tiếng ấy đã đưa đến sự phát triển ngoài dự tưởng trong thập niên 1960. Các bộ ngành bắt tay ngay vào việc lập các kế hoạch liên quan lãnh vực phụ trách của mình. Chẳng hạn Bộ Công Thương phát biểu các chính sách phát triển công nghiệp, Bộ Giáo dục đặt ra chương trình đào tạo nhân tài, nhất là kỹ sư, để phục vụ chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới v.v.
Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đã làm nức lòng người. Đặc biệt giới doanh nghiệp đã mạnh dạn du nhập công nghệ để đầu tư xây nhà máy mới, sản xuất sản phẩm mới, hoặc đổi mới thiết bị tăng năng suất những sản phẩm đã có. Giấc mơ về một cuộc sống tươi đẹp hơn lại được cổ vũ và tin tưởng ở nhân cách, tầm nhìn và biết trọng người tài của nhà chính trị Ikeda.
Như vậy, không ngẫu nhiên mà Nhật có một thời đại phát triển rực rỡ. Đêm trước của thời đại đó đã hội đủ các tiền đề. Quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp và trí thức, những người đi tiên phong trong việc thổi vào xã hội một luồng không khí mới đầy hứa hẹn về tương lai. Trong ba chủ thể đó, quan trọng nhất là tố chất của lãnh đạo chính trị, những người có hoài bão lớn, biết lắng nghe trí thức và biết được giấc mơ, kỳ vọng thiết thực của người dân. Điểm cốt lõi là nhà lãnh đạo chính trị nhạy bén với khát vọng của dân chúng và đưa ra ý tưởng cho kỷ nguyên mới nhưng dựa vào chuyên gia, trí thức để phác họa bằng cơ sở khoa học, có sức thuyết phục nên dân chúng tin tưởng. Với bộ máy công quyền hiệu suất, với đội ngũ quan chức được tuyển chọn và đào tạo nghiêm túc, nên các chiến lược, chính sách được dân chúng tin tưởng là sẽ thực hiện thành công.
Năm 2025: Đêm trước của kỷ nguyên mới ở Việt Nam?
Để có đêm trước của kỷ nguyên mới, mong là năm 2025 cấp lãnh đạo cao nhất sẽ cho ra đời những quyết định, những chính sách, phương châm hợp với mong đợi của toàn dân; cho thấy đó là những thay đổi thực sự và sẽ được thực hiện; từ đó dấy lên một không khí lạc quan, tin tưởng trong dân. Sự lạc quan, tin tưởng sẽ lan tỏa khắp nơi và từng bước phản ảnh trên hành động của người dân. Doanh nghiệp hăng hái đầu tư, đổi mới công nghệ; cán bộ lãnh đạo và quản lý, nhân viên thấy mình có trách nhiệm hơn trong điều hành, quản lý công việc nhà nước; trí thức tích cực tham gia góp ý kiến vào việc hoạch định chiến lược, chính sách v.v.
Phương châm, quyết định cụ thể nào sẽ đáp ứng mong đợi của người dân và tạo thành đêm trước của kỷ nguyên mới? Theo tôi có mấy lĩnh vực sau:
Thứ nhất, việc tinh giản và hiệu suất hóa bộ máy công quyền, kiểm điểm chi tiêu ngân sách để chống lãng phí, dành nguồn lực lớn hơn cho phát triển là phương châm hợp thời, là quyết định đúng đắn mà Tổng Bí thư đưa ra gần đây. Trong năm 2025 cần bắt đầu những bước thực hiện cụ thể với thành quả cụ thể để dân tin tưởng.
Doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh mới xây được nền kinh tế tự chủ. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ hai, nên định ra một ngày trong năm làm ngày tuyển chọn nhân tài tham gia việc nước. Gần đây, các bộ ngành ở Việt Nam đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo, công nhân viên cơ quan mình nhưng dân chúng ít được biết đến và có nơi còn thiếu công khai, khách quan, khoa học. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm những nước có bộ máy công quyền hiệu suất và đội ngũ quan chức tài giỏi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Chẳng hạn trường hợp Nhật Bản, Viện Nhân sự là tổ chức chuyên lo việc thi tuyển hằng năm với số lượng cần thiết cho tất cả các bộ ngành. Các bộ ngành cần tuyển cho cơ quan mình phải chọn trong những người đã đỗ trong kỳ thi của Viện Nhân sự. Các môn thi liên quan các tri thức cần thiết cho quan chức ở mọi cơ quan như luật pháp, lịch sử, văn hóa, tiếng Anh v.v. Quan chức ở địa phương cũng cần được thi tuyển công khai.
Nếu Việt Nam định một ngày trong năm làm ngày thi tuyển cán bộ quản lý và lãnh đạo các cấp sẽ dấy lên không khí phấn chấn trong giới trẻ và sự tin tưởng trong dân chúng đối với cơ quan công quyền. Năm 2025 cũng là năm cần có chính sách dứt khoát về việc đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ. Với niềm tự hào đã vượt qua kỳ thi khó khăn, với sứ mệnh góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, và không phải bận tâm về đời sống, cán bộ sẽ giữ phẩm giá và chuyên tâm với công việc. Nạn tham nhũng căn bản sẽ được giải quyết.
Thứ ba, năm 2025 sẽ chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo mới, cụ thể là chọn ứng cử viên vào Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIV. Cách làm như từ trước đến nay cho thấy cần tiếp tục cải cách để bảo đảm chọn được những người lãnh đạo xứng đáng. Chí ít tôi thấy có mấy điểm cần thay đổi, cần cải thiện. Đơn cử, Đảng có chính sách luân lưu cán bộ đi địa phương để có kinh nghiệm trước khi được bầu vào Ban chấp hành. Chính sách này tốt nhưng cần nâng cao hiệu quả thực chất. Nên cử cán bộ đi địa phương ít nhất ba năm và nếu không có thành tích cụ thể trong việc phát triển địa phương thì không được tiến cử.
Quy trình tuyển chọn ủy viên ban chấp hành nên nhu nhuyến hơn (về tuổi tác, cơ cấu...) để không phí nhân tài và chọn đúng người vào các vị trí đặc biệt. Ví dụ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội với tên gọi đó gây ấn tượng, đây là một cơ quan uy tín nhất đất nước về học thuật thì người đúng đầu phải là một học giả uyên thâm, có uy tín trên thế giới. Học giả uy tín trong ngành này thường lớn tuổi, nếu câu nệ tuổi tác thì không tìm được nhân tài thích hợp.
Thứ tư, về kinh tế, lãnh đạo cần đưa ra một quyết tâm và chính sách cụ thể để doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò chủ đạo đưa nên kinh tế vươn lên trong kỷ nguyên mới. Việt Nam đang được thế giới quan tâm là môi trường đầu tư nhiều triển vọng nên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang và sẽ tăng. Hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào FDI (hơn 70% xuất khẩu và hơn 50% sản lượng công nghiệp), hơn nữa sự liên kết giữa FDI với doanh nghiệp trong nước lại rất yếu. FDI ít liên doanh với doanh nghiệp trong nước mà phần lớn đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước ít tham gia vào chuỗi cung ứng của FDI, làm hạn chế lan tỏa công nghệ và tri thức kinh doanh từ FDI đến toàn nền kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là doanh nghiệp trong nước quá yếu. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tuy chiếm phần rất lớn trong tổng số doanh nghiệp và trong số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vốn và mặt bằng để đầu vì thủ tục hành chánh nhiêu khê v.v.
Việt Nam vẫn cần tranh thủ và chọn lựa FDI để phát triển nhanh nhưng đồng thời doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh mới xây dựng được nền kinh tế tự chủ trong kỷ nguyên mới. Năm 2025, các nhà lãnh đạo nên đưa ra quyết tâm làm một cuộc cách mạng hành chánh đối với doanh nghiệp, tháo gỡ tất cả các rào cản về thể chế để doanh nghiệp trong nước vươn lên.
Còn một số vấn đề khác ngoài những điểm trình bày ở trên nhưng đây là những điểm hợp với mong đợi của toàn dân. Trong năm 2025, nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam tham khảo ý kiến trong dân, nhất là giới trí thức và mạnh dạn đưa ra các quyết định cải cách theo những hướng này, tôi tin là sẽ tạo được không khí hồ hởi, phấn chấn trong dân và đêm trước của một kỷ nguyên, của một thời đại mới sẽ bắt đầu đúng dịp tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Tokyo, đầu Xuân 2025
GS. Trần Văn Thọ
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/chuan-bi-dem-truoc-cho-mot-ky-nguyen-moi-d38861.html