Chị Nguyễn Oanh (36 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, hai vợ chồng làm giáo viên trên địa bàn Hà Nội, gom góp vay mượn được gần 1,6 tỷ đồng để mua chung cư. Thế nhưng, giá căn hộ mới bàn giao đang cao, còn căn chung cư cũ rất khó hỏi mua. Để tìm được một căn hộ ưng ý, có 1 phòng ngủ, phòng khách và bếp, đầy đủ pháp lý phải có trên 3 tỷ đồng.
Cực chẳng đã, vợ chồng chị Oanh đành mua một căn chung cư mini 2 phòng ngủ, mua bán vi bằng để thoát cảnh đi thuê nhà, cho các con an tâm học tập. Mặc dù biết mua nhà không có sổ nhiều rủi ro, thế nhưng càng đợi thì giá nhà càng lên cao, càng hết hy vọng.
Chung cư chưa được cấp sổ hồng được nhiều người dân quan tâm. Ảnh minh họa.
Tương tự, anh Minh Phong (quận Cầu Giấy) cho hay, đầu tháng 10 vừa qua, gia đình anh đã quyết định mua một căn chung cư tại HH Linh Đàm với giá 2,3 tỷ đồng cho căn hộ 3 phòng ngủ. Tuy nhiên do chủ đầu tư có một số vi phạm trong thi công, căn hộ chưa có sổ nên việc mua bán nhà bằng hợp đồng và lập vi bằng.
Theo khảo sát của phóng viên, thị trường mua bán chung cư chưa có sổ vẫn luôn tấp nập với những căn hộ có giá từ 1,5 - 2 tỷ đồng, giá dao động từ 35,1 đến 43,8 triệu đồng/m2.
Trên mạng xã hội cũng tạo lập nhiều nhóm chuyên giao lưu, buôn bán với hàng chục nghìn thành viên.
Căn hộ chung cư chưa sổ được rao bán trên các hội nhóm mua nhà. Ảnh chụp màn hình.
Các bài đăng rao bán căn hộ chưa có sổ hồng vẫn được nhiều người tham khảo, thậm chí sẵn sàng chấp nhận "xuống tiền" vì giá bán "mềm" hơn so với các căn hộ pháp lý đầy đủ.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Lan Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều khách hàng biết việc mua căn hộ chung cư không có sổ hồng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mạo hiểm, thế nhưng do có nhu cần thực sự, phù hợp với tài chính nên nhiều người vẫn chấp nhận mua.
Theo luật sư, người mua cần phải xem xét nguyên nhân vì sao lại có trình trạng này. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, nếu chung cư thuộc các đối tượng chưa có sổ mà được mua bán thì hoàn toàn có thể mua bán bình thường. Ngược lại, nếu vì các nguyên nhân khác và tiềm ẩn các rủi ro có thể xảy ra, người mua nên xem xét và quyết định không nên mua căn hộ đó.
Về bản chất, mua bán căn hộ chung cư chưa có sổ hồng là việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán. Do vậy, khi mua bán, các bên phải lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở để cơ quan công chứng chứng nhận theo mẫu, bắt buộc và lưu ý các điều khoản như mức giá mua bán, phương thức thanh toán, thời hạn chuyển giao căn hộ, quyền và nghĩa vụ các bên…
"Khi đề nghị công chứng, các bên phải xuất trình hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư. Nếu chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải xuất trình văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở lần trước. Mọi vấn đề mua bán cần cần trọng, có sự tư vấn pháp luật rõ ràng để tránh những rủi ro sau này", luật sư Lan Anh nói.
Đan Tâm