Người dân Đông Nam Bộ dù có thu nhập ở mức cao nhưng không 'đuổi' kịp giá nhà
Giống như nhiều vùng đô thị lớn tại Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với tình trạng “đói” nhà ở, đặc biệt là tại TP HCM.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2024, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên cả nước đạt mức 23,2m2/người.
Trong khi đó, theo Quyết định số 2161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc lên khoảng 30m2 sàn/người.
Vùng Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với tình trạng “đói” nhà ở. (Ảnh: ST)
Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Bộ lại đang đối mặt với bài toán khó khăn về nhà ở khi tỷ lệ người có diện tích nhà ở bình quân dưới 8m2/người là cao nhất, chiếm tới 16,3%, tương đương với khoảng 3 triệu người.
Tại Hội thảo “Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam” diễn ra vào ngày 31/10, ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons cho biết: Số liệu thống kê cho thấy, GDP bình quân đầu người khu vực Đông Nam Bộ đạt mức 175 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 15 triệu đồng/tháng, đây được coi là mức thu nhập cao.
“Dù mức thu nhập này nằm trong nhóm cao so với nhiều khu vực khác, nhưng để sở hữu một căn hộ với mức giá khoảng 2 tỷ đồng, trung bình mỗi người dân vẫn cần tới 10 năm tiết kiệm toàn bộ thu nhập mà không chi tiêu”, ông Thạch nói.
Như vậy, dân số có GDP tích lũy trong vòng 5 năm dưới 2 tỷ đồng thuộc khu vực Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện có khoảng 17 triệu người gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà tăng phi mã, căn hộ vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, căn hộ dưới 1 tỷ đồng biến mất khỏi thị trường.
Theo ông Thạch, tại các đô thị lớn của Đông Nam Bộ như TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, nhu cầu nhà ở cho các nhóm thu nhập trung bình và thấp, bao gồm công nhân và lao động nhập cư, ngày càng trở nên bức thiết.
Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của nhóm này. Tình trạng này buộc nhiều người phải sống trong các khu nhà trọ chật chội, chất lượng thấp, thiếu thốn các tiện ích cơ bản, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của họ.
Bên cạnh đó, tại TP HCM ghi nhận mức giá căn hộ trung bình dao động từ 40-60 triệu đồng/m2 tại các quận ven đô và lên đến 100 triệu đồng/m2 tại các khu vực trung tâm, vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình có thu nhập trung bình.
Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons. (Ảnh: ST)
Không chỉ vậy, tốc độ tăng dân số cao tại các thành phố lớn như TP HCM và Bình Dương đang tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế và giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.
“Khi lượng cư dân tăng nhanh, hệ thống giao thông thường xuyên ùn tắc, các dịch vụ công cộng bị quá tải, dẫn đến tình trạng khan hiếm về tiện ích cơ bản, như y tế và giáo dục”, ông Thạch nói.
Đặc biệt, trong bối cảnh này, người dân ngày càng chú trọng đến môi trường sống. Nhu cầu về nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và có không gian xanh đang tăng cao. Tuy nhiên, các dự án nhà ở thân thiện với môi trường vẫn còn rất ít ỏi, trong khi giá thành lại cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.
Nhu cầu sở hữu căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng tại TP HCM đang tăng cao, nhưng phải “đi xa”
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở tại TP HCM đang ở mức rất cao, ước tính khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nguồn cung lại không thể theo kịp với nhu cầu này do nhiều yếu tố tác động.
Trong số đó, các rào cản pháp lý, chi phí đất đai gia tăng và sự thiếu hụt nguồn cung căn hộ bình dân là những nguyên nhân chính khiến thị trường không thể phát triển một cách đồng bộ.
Thực tế, khoảng 60-70% nhu cầu nhà ở hiện nay nằm trong phân khúc giá rẻ. Điều này cho thấy, người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp, đang rất cần những giải pháp nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của họ.
Tuy nhiên, thị trường lại đang thiếu hụt các dự án nhà ở giá rẻ, khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi an cư.
Đặc biệt, vấn đề niềm tin của khách hàng rất quan trọng, nhiều dự án đã bàn giao nhưng chưa thể giao sổ cho khách hàng, khiến khách hàng lo ngại và rất cần phục hồi niềm tin cho khách hàng.
Theo ông Thạch, thị trường hiện nay đang cần những dòng nhà vừa túi tiền. Nhưng đi kèm theo đó, chủ đầu tư phải uy tín với các cam kết rõ ràng với khách hàng.
“Chúng tôi hiện có 7 dự án bàn giao sổ đến tay khách hàng. Một số dự án đã triển khai và bàn giao nhà trước tiến độ cam kết với khách hàng. Đặc biệt, bàn giao sổ hồng đến tay khách hàng trong vòng tối đa 9 - 12 tháng kể từ ngày bàn giao. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy cư dân sinh sống tại các dự án đều trên 90%”, ông Thạch nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam. (Ảnh: RT)
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Với thị trường Đông Nam Bộ, đặc biệt là Bình Dương, giá hiện tại đang có xu hướng tăng, tuy nhiên mức giá vẫn thấp hơn so với khu vực phía Bắc, vì trước đó khu vực này đã có những đợt tăng giá mạnh.
Tại TP HCM, mức giá bất động sản khá cao, khó để sở hữu căn hộ chất lượng tốt với mức tài chính khiêm tốn, đặc biệt khi thành phố đang đối mặt với tình trạng quá tải hạ tầng. Để giảm tải, xu hướng hiện nay là mở rộng, kéo giãn dân cư và lao động ra các vùng lân cận.
“Đây là lý do tại sao Bình Dương nổi lên như một điểm đến triển vọng. Khu vực này đang được đầu tư mạnh về hạ tầng, kết nối vùng hoàn thiện, giao thông cũng được cải thiện đáng kể, phù hợp với những người mua muốn tìm kiếm một nơi sống chất lượng nhưng mức giá hợp lý hơn. Theo đó, Bình Dương là khu vực đáng để các môi giới tư vấn cho nhà đầu tư, đặc biệt là những người có tài chính trung bình muốn đầu tư lâu dài”, ông Đính nói.
Mai Cao Hưng