Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vào thứ Sáu tuần trước, Moody's Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ Aaa xuống Aa1, với lý do ngày càng có nhiều thách thức trong việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách liên bang và chi phí tái cấp vốn nợ ngày càng tăng trong bối cảnh lãi suất cao.
Với động thái này, Moody's đã gia nhập hàng ngũ các công ty xếp hạng tín nhiệm lớn khác. S&P đã có động thái đầu tiên vào năm 2011, và Fitch cũng làm theo vào năm 2023, cả hai đều hạ xếp hạng tín nhiệm của Hoa Kỳ xuống AA+.
Vasu Menon - Giám đốc điều hành nhóm chiến lược đầu tư của OCBC cho biết trong một lưu ý rằng, việc hạ xếp hạng tín nhiệm mới nhất của Moody's có thể không gây ra đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ như đã thấy từ các lần hạ xếp hạng tín nhiệm năm 2011 và 2023.
“Tuy nhiên, điều này củng cố thêm mối lo ngại về thâm hụt ngân sách và nợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ, nhưng đây không phải là điều mới mẻ và đã được thảo luận rộng rãi trong vài tháng qua, thậm chí là nhiều năm qua”, ông lưu ý.
Trong khi đó nỗi lo về cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng lại trỗi dậy sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào Chủ Nhật (18/5), Tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế ở mức mà ông đã đe dọa vào tháng trước đối với các đối tác thương mại không đàm phán một cách “thiện chí”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ tham dự một cuộc họp G7 trong tuần này để đàm phán thêm, trong khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã họp vào Chủ Nhật để thảo luận về thương mại.
“Vẫn còn phải xem liệu tỷ lệ thuế quan 10% - không bao gồm Canada và Mexico - có được duy trì hay sẽ tăng hoặc giảm đối với một số quốc gia hay không”, nhà kinh tế học Michael Feroli của JPMorgan cho biết, người ước tính mức thuế quan hiệu quả hiện tại là khoảng 13% tương đương với mức tăng thuế trị giá 1,2% GDP.
Nỗi lo thương chiến vì thế lại trỗi dậy, đẩy các thị trường giảm điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,52% sau khi mở cửa với mức giảm 0,54%; trong khi Topix giảm 0,36%.
Còn tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi hiện đã giảm 1,15% và chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq giảm 1,64%.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 hiện đã giảm 0,24%.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai giảm 0,31%.
Trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,19%.
Hợp đồng tương lai cho chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đứng ở mức 23.270, thấp hơn mức đóng cửa gần nhất là 23.345,05.
Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 292 điểm, tương đương 0,7%. Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,7%, trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm 0,8%.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, S&P 500 đóng cửa ở mức 5.958,38 điểm, tăng 0,70% và ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Trong khi Nasdaq Composite tăng 0,52% và đóng cửa ở mức 19.211,10 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 331,99 điểm, tương đương 0,78%, đóng cửa ở mức 42.654,74.
Hiện các nhà đầu tư đang ngóng đợi một loạt các dữ liệu kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
Theo đó, Trung Quốc dự kiến công bố một loạt dữ liệu kinh tế cho tháng 4, bao gồm giá nhà và sản xuất công nghiệp. Trong khi Thái Lan sẽ công bố GDP quý đầu tiên vào cuối ngày. Ngân hàng Dự trữ Úc cũng sẽ bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày.
Hà Vy