Kể từ sau công bố áp thuế Việt Nam từ phía chính phủ Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chuyên gia, đây chỉ là diễn biến ngắn hạn do tâm lý hoang mang thái quá của các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 87,99 điểm (6,68%) về mức 1.229,84 điểm. HNX-Index giảm 17,18 điểm (7,21%) về mức 220,95 điểm. Thị trường có tới 517 mã giảm điểm (282 mã giảm sàn), 8 mã tham chiếu và chỉ có 13 mã tăng điểm. Dòng tiền rút mạnh khỏi thị trường với thanh khoản lên tới gần 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải phiên giảm mạnh nhất của chỉ số. Trong lịch sử, thị trường từng có những phiên giảm mạnh hơn như ngày 10/9/2001 (giảm 6,89%), 3/10/2001 (giảm 6,45%) và 1/10/2001 (giảm 6,3%). Mức độ tương quan giữa hiện tại và năm 2001 hoàn toàn khác, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam lúc đó còn sơ khai, mới có 5 mã chứng khoán và VN-Index chỉ hơn 200 điểm.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc các ngành chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế nhập khẩu mới như thủy sản, dệt may, cao su, phân bón đối mặt với áp lực bán là điều tất yếu. Tuy nhiên, hiện tượng nhà đầu tư bán tháo mạnh mẽ cổ phiếu thuộc các lĩnh vực có cơ bản ổn định như ngân hàng, chứng khoán - những ngành chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp phản ảnh tâm lý hoang mang thái quá. Thứ nhất, không phải hàng hóa nào của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng bị áp mức thuế này. Thứ hai, mức thuế chính phủ Mỹ đưa ra không phải là cố định mà cơ bản có thể đàm phán lại kể từ nay tới 9/4.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho hay: “Có lẽ với mức thuế này từ nay tới 9/4, về phía Việt Nam sẽ có những động thái đàm phán và đưa mức thuế phù hợp hơn. Nếu đàm phán được mức thuế bằng và thấp hơn các quốc gia khác, chúng ta vẫn có khả năng cạnh tranh. Còn trong kịch bản tiêu cực hơn thì chúng ta sẽ tìm ra các thị trường khác”.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, đối với nhà đầu tư có nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu lớn và không áp lực về margin thì không nên bán tháo tại thời điểm này. Trong trường hợp có áp lực về margin, nhà đầu tư có thể nạp thêm tiền để đưa margin về mức an toàn. Còn đối với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao, một sự kiện “thiên nga đen” như này sẽ là cơ hội mang lại lợi nhuận rất tốt. Nhà đầu tư nên mua vào với một tỷ trọng thấp trước để thăm dò và đón đầu một xu hướng mới. Đặc biệt là các ngành không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế quan như ngành ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, thép…
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/chung-khoan-do-lua-khi-my-cong-bo-chinh-sach-thue-quan-319582.htm