Dòng tiền đã xuất hiện với khối lượng khá lớn nhờ đó đã từng bước thẩm thấu lực cung giá rẻ. Theo đó, khoảng cách rơi của VN-Index dần được rút ngắn hơn so với đầu giờ. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 4/4, phiên giao dịch mở cửa trong không khí ảm đạm trước những quan ngại về thông tin áp thuế mới từ Mỹ. Tuy nhiên, sức mua của thị trường cho thấy khá lớn nhờ đó đà lao dốc của VN-Index đã giảm so với phiên hôm qua.
Áp lực bán tiếp tục chi phối
Áp lực bán chi phối thị trường ngay trong những phút đầu giờ. Khối lượng chào bán diễn ra trên diện rộng, trong đó nhiều mã được tiếp tục giảm kịch sàn, do vậy VN-Index giảm sâu trên 70 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền đã xuất hiện với khối lượng khá lớn nhờ đó đã từng bước thẩm thấu lực cung giá rẻ. Theo đó, khoảng cách rơi của VN-Index dần được rút ngắn hơn so với đầu giờ.
Trong đợt giao dịch buổi sáng, nhóm cổ phiếu phần cứng và chăm sóc sức khỏe lấy lại sắc xanh với mức vốn hóa tăng nhẹ trên/dưới 1%. Còn lại tất cả các nhóm ngành khác vẫn chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu bán dẫn giảm nhất gần 10%, các nhóm năng lượng, hàng tiêu dùng trang trí, dịch vụ tài chính, xe và linh kiện… giảm trên/dưới 6% giá trị vốn hóa. Hiện, nhóm cổ phiếu đang chi phối đến đà giảm điểm của VN-Index là VCB, BID, CTG, GVR…
Thị trường nghỉ giữa phiên, VN-Index giảm 47,77 điểm (giảm 3,88%), HNX-Index cũng mất 10,25 điểm (giảm 4,64%). Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 29.116 tỷ đồng, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng là 1.438 triệu đơn vị. Trên toàn thị trường có 741 giảm giá, trong đó có 203 mã giảm sàn
Tìm cơ hội trong thách thức
Thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ (ngày 3/4) đang tạo ra những lo ngại nhất định đối với thị trường chứng khoán, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI, nhận định Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để xử lý vấn đề, tránh ảnh hưởng kéo dài đến quan hệ thương mại với đối tác quan trọng hàng đầu là Mỹ.
Đối với nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, ông Hưng chỉ ra rằng rủi ro thương mại và thuế quan luôn là mối bận tâm lớn nhất khi xem xét thị trường Việt Nam.
"Qua trao đổi, chúng tôi thấy họ vẫn đang chờ đợi. Khi rủi ro này thể hiện ra và dù là theo cách xấu nhất, thì có thể lại là lúc họ có thể bắt đầu xem xét lại việc đầu tư," ông Hưng phân tích.
Cụ thể, ông Hưng phân tích khi "tin xấu nhất" đã xuất hiện, nhà đầu tư sẽ quan sát phản ứng của thị trường và tìm kiếm các nhóm ngành có vùng định giá trở nên hấp dẫn hơn để giải ngân. Theo ông, đây có thể là một điểm kích hoạt cho việc đánh giá lại thị trường Việt Nam và xem xét mức độ định giá có hấp dẫn hay không, nhất là sau giai đoạn các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá lớn vừa qua.
Về nội tại của thị trường, ông Hưng so sánh với thời điểm chiến tranh thương mại năm 2018 thì chỉ số P/E thị trường Việt Nam lên đến 23-24 lần song hiện tại chỉ bằng khoảng một nửa. Ông cho rằng điều này cho thấy áp lực bán tháo mạnh như trước đây có thể không quá lớn từ góc độ định giá. Dù vậy, yếu tố tâm lý từ nhà đầu tư cá nhân (chiếm trên 90% giao dịch trên thị trường) vẫn có thể gây biến động ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư dài hạn, những thông tin này lại là dịp để đánh giá lại vị thế và thậm chí sẽ có những cân nhắc theo hướng tích cực.
Về ảnh hưởng lên các nhóm ngành, ông Hưng thừa nhận các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Mỹ sẽ chịu tác động, như ngành thủy sản. Mức thuế quan cao không khác gì thuế chống bán phá giá. Song, ông Hưng cũng lưu ý các nhà nhập khẩu Mỹ cũng không có quá nhiều lựa chọn thay thế khi các quốc gia khác cũng đối mặt với thuế quan. Hơn nữa, hàng Việt Nam chủ yếu là nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, có độ co giãn cầu không quá lớn. Nếu việc áp thuế không kéo dài, tác động của chính sách thuế đến thị trường sẽ chỉ là ngắn hạn.
Mối lo ngại lớn hơn, ông Hưng chỉ ra nếu đây trở thành xu hướng toàn cầu thay vì chỉ giới hạn ở thị trường Mỹ thì việc đa dạng hóa thị trường của Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, có một điểm tích cực đáng kể là cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu từ nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết chỉ dưới 20% và nghĩa là khoảng 80% vẫn đến từ thị trường nội địa.
Do đó, ông Hưng tin tưởng việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách kích cầu nội địa, đầu tư công hiệu quả, giúp tăng trưởng kinh tế đến từ nội lực, thì tác động của yếu tố bên ngoài lên tổng thể thị trường chứng khoán sẽ được hạn chế đáng kể./.
(Vietnam+)