Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến thêm một phiên giảm rất mạnh sau khi phía Trung Quốc đáp trả với các biện pháp thuế quan mới với hàng Mỹ.
Cổ phiếu công nghệ sụt giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh: NGỌC DIỆP (ChatGPT)
Nỗi lo đối đầu thuế quan ám ảnh thị trường chứng khoán Mỹ
Diễn biến này không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng căng thẳng thương mại sẽ leo thang dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 2.231,07 điểm tương đương 5,5% xuống 38.314,86 điểm, đây là phiên hạ mạnh nhất của chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ tính từ tháng 6-2020 (thời điểm căng thẳng của đại dịch COVID-19). Trước đó trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones hạ 1.679 điểm.
Chỉ số S&P 500 hạ 5,97% xuống 5.078,08 điểm và như vậy ghi nhận phiên hạ mạnh nhất tính từ tháng 3-2020. Trước đó, chỉ số hạ 4,84% trong phiên ngày thứ Năm và hiện tại thấp hơn 17% so với ngưỡng cao gần nhất.
Chỉ số Nasdaq, chỉ số đo lường diễn biến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ, hạ 5,8% xuống 15.587,79 điểm. Như vậy, chỉ số tiếp diễn đà sụt giảm đến 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Chỉ số hiện giờ thấp hơn 22% so với ngưỡng cao kỷ lục vào tháng 12-2024, như vậy, chỉ số chính thức rơi vào trạng thái suy giảm.
Diễn biến chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones trong tuần qua - Nguồn: Google Finance
Phiên ngày thứ Sáu chứng kiến sự sụt giảm trên diện rộng của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu của 14 nhóm ngành đồng loạt sụt giảm.
Theo công bố mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ áp thuế bổ sung 34% với toàn bộ các loại hàng hóa từ Mỹ. Động thái này của phía Trung Quốc không khỏi khiến cho giới đầu tư thất vọng bởi nhiều người đã kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ đàm phán với Mỹ trước khi trả đũa thuế quan.
Cổ phiếu công nghệ sụt giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày thứ Sáu. Cổ phiếu của Apple, hãng sản xuất điện thoại iPhone và bán nhiều tại thị trường Trung Quốc, sụt đến 7%. Cổ phiếu Tesla, doanh nghiệp sản xuất ô tô điện và cũng bán nhiều tại thị trường Trung Quốc, hạ 10%. Cổ phiếu Nvidia cũng giảm đến 7% trong phiên.
Cả ba doanh nghiệp này đều có rất nhiều mối quan hệ làm ăn kinh doanh với Trung Quốc và sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ biện pháp trả đũa thuế quan của Trung Quốc.
Không chỉ cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác như hãng máy bay Boeing hay hãng máy xây dựng Caterpillar vốn xuất nhiều hàng vào Trung Quốc cũng giảm lần lượt 9% và 6%.
Tính cả tuần, chỉ số S&P 500 sụt giảm đến 9% và như vậy có tuần giảm sâu nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 căng thẳng vào đầu năm 2020.
VinaCapital: Đợt sụt giảm của thị trường mang đến cơ hội mua vào cho nhà đầu tư
Tại thị trường Việt Nam, tiếp nối đà giảm mạnh từ phiên trước, thị trường phiên 4-4 tiếp tục giảm sâu khi bước vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu với nhiều cổ phiếu giảm sàn. Nỗ lực mua giá thấp của dòng tiền tiếp tục xuất hiện, động thái hỗ trợ này đã giúp thị trường kìm hãm đà giảm mạnh và dần hồi phục trở lại.
Mặc dù thị trường chưa thể lấy lại sắc xanh nhưng diễn biến hồi phục hiện tại cũng phần nào giải tỏa bớt tâm lý bi quan của nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán Rồng Việt phân tích.
Kết phiên, VN-Index giảm 19,17 điểm (-1,56%), đóng cửa tại 1.210,67 điểm. Thanh khoản khớp lệnh tăng với 1.873,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, với giá trị 2.819 tỉ đồng. Trong đó, họ bán mạnh tại FPT (-615,7 tỉ), ACB (-472,8 tỉ), MBB (-452 tỉ), VCB (-389 tỉ), SSI (-279,7 tỉ) …
Ở chiều ngược lại, họ mua nhiều tại GEX (+367,6 tỉ), SHB (+170,7 tỉ), KDH (+57,2 tỉ), DGC (+54,4 tỉ), HVN (+48,5 tỉ) …
Diễn biến chỉ số VnIndex tuần qua - Nguồn: Trading View
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital trong nhận định mới nhất cho rằng việc thị trường chứng khoán điều chỉnh trong 2 phiên gần nhất mang đến cơ hội mua vào cho nhà đầu tư.
"Chúng tôi đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau. Và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu”, giám đốc phân tích VinaCapital chỉ ra.
"Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn" – ông Michael Kokalari nói.
Theo chuyên gia của VinaCapital, những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP.
Trong tháng 2, Chính phủ đã công bố tăng kế hoạch tăng chi cho đầu tư công, vốn đã rất tham vọng trong năm nay – và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này.
NGỌC DIỆP