Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - một chi nhánh của CTCP Chứng khoán DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN
Nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu niêm yết (trừ trái phiếu doanh nghiệp niêm yết), HĐQT Chứng khoán DSC phê duyệt khung hạn mức tín dụng 450 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tây Hồ. Thời hạn khoản vay tối đa 12 tháng; lãi suất, tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với Vietcombank.
Trước đó, vào trung tuần tháng 12/2024, HĐQT DSC đã thông qua việc vay vốn và các hình thức cấp tín dụng khác theo hạn mức tín dụng được cấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Chương Dương. Hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng, toàn bộ đều là hạn mức cho vay ngắn hạn, hạn mức bảo lãnh là 350 tỷ đồng.
Mục đính cấp tín dụng để công ty bổ sung vốn đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ; đầu tư kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, trái phiếu của doanh nghiệp là công ty con của VietinBank); đầu tư kinh doanh cổ phiếu doanh nghiệp (không bao gồm cổ phiếu các tổ chức tín dụng).
Tình hình kinh doanh của DSC, năm 2024, tổng doanh thu hoạt động của DSC đạt 503 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế từ đó tăng từ 150 tỷ đồng lên 221 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 47,5% so với năm 2023 lên 176,8 tỷ đồng, bỏ xa kỷ lục đạt được trong năm 2023.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DSC đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 423 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt 19% kế hoạch doanh thu và 10,5% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của DSC tăng gần 80% so với đầu năm lên 3.391 tỷ đồng. Chiếm phần lớn cơ cấu nợ của DSC là 3.340 tỷ đồng vay ngắn hạn, bao gồm 1.566,8 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV, 413 tỷ đồng tại Ngân hàng VietinBank, 360 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietcombank, 600 tỷ đồng tại Ngân hàng PGBank và 400 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB.
Minh Phong