Chỉ trong tháng 4 và 5, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (mã chứng khoán: FTS) đã phê duyệt hai hạn mức vay mới với tổng trị giá lên tới 3.200 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Đáng chú ý, các khoản vay này không nhằm mục đích mở rộng hạ tầng hay đầu tư công nghệ, mà chủ yếu hướng đến việc bơm vốn vào mua trái phiếu và cho vay ký quỹ, những hoạt động vừa tiềm năng nhưng cũng đầy biến động.
Với ACB, Chứng khoán FPT vừa thông qua hạn mức vay lên đến 2.000 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động chi trả chi phí vận hành, đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành và đặc biệt là bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Thời hạn hiệu lực của khoản vay kéo dài đến tháng 5/2026, nhưng từng khoản vay cụ thể sẽ có kỳ hạn tối đa 6 tháng, riêng phần dành cho ký quỹ giới hạn ở mức 3 tháng. Điều đáng chú ý là Chứng khoán FPT sẽ dùng chính trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tiền gửi và các giấy tờ có giá để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại ACB.
Trước đó, vào tháng 4, Chứng khoán FPT cũng đã thông qua một hạn mức vay 1.200 tỷ đồng tại Vietcombank. Tương tự như với ACB, khoản vay này chủ yếu phục vụ cho các hoạt động đầu tư vào công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Trong đó, hạn mức cho đầu tư trái phiếu chiếm đến 1.200 tỷ đồng.
Về thời gian vay, khoản vốn phục vụ đầu tư trái phiếu có kỳ hạn tối đa 6 tháng, còn phần dành cho ký quỹ hoặc bổ sung vốn lưu động có thời hạn 3 tháng. Để đảm bảo cho khoản vay, Chứng khoán FPT sẽ sử dụng các tài sản có tính thanh khoản cao của khách hàng hoặc tiền gửi bên thứ ba tại Vietcombank làm tài sản đảm bảo.
Mẫu số chung giữa hai khoản vay là nguồn trả nợ đều được đảm bảo bằng doanh thu, lợi nhuận và các dòng tiền khác của công ty.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 vừa công bố, Chứng khoán FPT ghi nhận tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và tài chính đạt gần 314 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này tương đương 31% kế hoạch doanh thu cả năm (đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận lại không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm mạnh 19% so với quý I năm trước, và mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch năm (500 tỷ đồng). Xét về cơ cấu nguồn thu, dịch vụ cho vay ký quỹ tiếp tục là điểm sáng khi mang lại khoản lãi gần 174 tỷ đồng, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ.
Ngược lại, mảng môi giới chứng khoán, vốn từng là một trong những trụ cột truyền thống lại chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng về hiệu quả. Trong quý I/2025, mảng này chỉ ghi nhận mức lãi vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng, tương đương chỉ 10% kết quả của cùng kỳ năm trước.
Sau khi khấu trừ các chi phí vận hành, Chứng khoán FTS báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt gần 153 tỷ đồng, giảm 8% so với quý 1/2024.
Diễn biến cổ phiếu FTS trong thời gian qua
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FTS vẫn có tín hiệu tích cực. Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 16/5, mã này tăng nhẹ 0,69% lên 36.450 đồng/cổ phiếu với hơn 2,5 triệu đơn vị được sang tay.
Thiên Ân