Ảnh minh họa
Nên tập trung vào chiến lược quản trị rủi ro
Dòng tiền có xu hướng phản ứng nhanh với các thông tin vĩ mô, cả trong nước lẫn quốc tế. Điều này dẫn đến sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu, phản ánh tâm lý thận trọng và thiếu sự đồng thuận của nhà đầu tư. Với xu hướng hiện tại, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và diễn biến giằng co trong ngắn hạn, đặc biệt khi các yếu tố hỗ trợ chưa thực sự rõ ràng.
Trong bối cảnh này, Công ty Chứng khoán Beta khuyến nghị, nhà đầu tư nên tập trung vào chiến lược quản trị rủi ro, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính cao và ưu tiên bảo toàn vốn. Việc lựa chọn cổ phiếu cũng cần thận trọng hơn, ưu tiên những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động ổn định, có triển vọng tăng trưởng và đang thu hút dòng tiền lớn.
Chuyên gia CSI kỳ vọng, VN-Index sẽ có nhịp hồi phục lên mức kháng cự 1.275 – 1.300 điểm - mốc điểm tích lũy trước khi thông tin thuế đối ứng 46% được Mỹ công bố lên hàng hóa Việt Nam. Về ngưỡng hỗ trợ, nếu áp lực bán mạnh xảy ra thì ngưỡng hỗ trợ 1.180 điểm khả năng cao sẽ ngăn VN-Index giảm thêm. CSI cũng khuyến nghị căn mua khi VN-Index có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ trên.
Trong ngắn hạn, mặc dù hiện tại, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cho rằng, nhiều mã vẫn tương đối rẽ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường diễn biến khó lường, mức độ rủi ro ngắn hạn cao hơn cơ hội, nhất là đối với các nhóm ngành chịu áp lực thuế quan. Các vị thế tỷ trọng cao, còn dư nợ ký quỹ cần ưu tiên đánh giá danh mục, giảm tỉ trọng. Ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Việc xem xét gia tăng tỷ trọng đầu tư nên chờ thị trường chung cân bằng trở lại.
Áp lực chốt lời gia tăng, VN-Index chìm trong sắc đỏ
Thị trường đã chịu áp lực giảm điểm ngay từ đầu phiên. Một phần do áp lực lượng cổ phiếu hơn 1,7 tỉ cổ phiếu ngày 11/04/2025 về tài khoản, cũng như thông tin kém tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp... Trong phiên VN-Index tăng điểm hướng đến vùng kháng cự 1.250 điểm dưới ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu VIC... sau đó áp lực bán gia tăng mạnh. Kết phiên VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,10%) về mức 1.227,79 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường gần như đi ngang, tăng nhẹ +6,3% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 1.004 triệu cổ phiếu (+3,38%), tương đương 24.172 tỷ đồng (-0,10%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường đảo chiều nhanh chóng, sắc đỏ quay lại áp đảo với 17/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên 15/4 là các nhóm ngành như: BĐS KCN (-6,33%), Dệt may (-5,05%), Dầu khí (-2,92%),... Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng thị trường bao gồm: Thép (+1,55%), Đường (+0,35%), Cảng biển (+0,20%), BĐS dân cư (+0,20%),...
Khối ngoại đảo chiều mua ròng +214 tỷ đồng trên sàn HSX. Đây cũng là phiên mua ròng thứ 3 của khối ngoại trong 1 tuần trở lại đây. Tâm điểm mua ròng của nhóm nhà đầu tư ngoại trong phiên là các cổ phiếu vốn hóa lớn như: HPG +246 tỷ đồng, MWG (+175 tỷ đồng), VCB (+101 tỷ đồng),... Ở chiều bán ròng, khối ngoại hạ tỷ trọng một số mã: VHM (-89 tỷ đồng), HCM (-84 tỷ đồng), KBC (-76 tỷ đồng),...
Cẩm Vân