Sau 3 phiên hồi phục tích cực, thị trường đã đảo chiều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 15/4 bởi áp lực bán chốt lời gia tăng. Tuy nhiên, xu hướng thị trường chưa có gì đáng lo ngại với mức giảm điểm không quá lớn và thanh khoản vẫn giữ ở mức bình quân 20 phiên giao dịch.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index có tín hiệu điều chỉnh khi áp lực chốt lời gia tăng ở vùng cản 1.220-1.230 điểm. Chỉ báo CMF xuống dưới mốc 0 thể hiện cho sự áp đảo của lực cung cũng như diễn biến phân hóa của dòng tiền. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI bẻ xuống thể hiện cho sự rung lắc của thị trường và xác suất cao VN-Index sẽ cần thêm thời gian để tìm lại động lực quanh khu vực 1.220 điểm với biến động khoảng 10-15 điểm trong ngắn hạn.
Bước vào phiên giao dịch sáng ngày 16/4, thị trường vẫn trong trạng thái giảm nhưng biên độ giảm không đáng kể khi nhóm cổ phiếu bluechip và các nhóm trụ cột như bank – chứng – thép đều giao dịch phân hóa.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đã đảo chiều hồi phục nhẹ lên mốc 1.230 điểm khi nhiều bluechip đã khởi sắc trở lại, đặc biệt là sắc xanh đang lan rộng hơn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, với lực cầu khá yếu, các mã thiếu động lực để bật cao và chỉ số chung chưa thể tăng tốc.
Cụ thể, trong dòng bank, ngoại trừ các mã như BID, VIB điều chỉnh nhẹ, hoặc VCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều đang tăng trên dưới 1%, với ACB đang tăng tốt nhất là hơn 2% khi nhận được lực cầu nội và ngoại khá mạnh.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt hồi phục sắc xanh, nhưng mức tăng chỉ trên dưới 1%.
Điểm tựa khá yếu khiến thị trường dễ dàng quay đầu khi lực bán có chút nhích nhẹ. Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng giảm nhẹ khi thị trường chung chuyển qua trạng thái phân hóa, với nhiều mã lớn hạ độ cao và đảo chiều điều chỉnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 220 mã tăng và 202 mã giảm, VN-Index giảm 0,56 điểm (-0,05%), xuống 1.227,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 314 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.978 tỷ đồng, giảm 37,5% về khối lượng và 39,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13 triệu đơn vị, giá trị hơn 594 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên chỉ tăng nhẹ chưa đến 2 điểm với 13 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, VRE dù mở cửa không mấy thuận lợi nhưng đã hồi phục và là mã tăng tốt nhất rổ này, đạt 3,4% với thanh khoản đạt hơn 7,8 triệu đơn vị; tiếp theo là BVH tăng 2,3%, còn lại tăng nhẹ trên dưới 1%.
Ngược lại, cổ phiếu FPT giảm sâu nhất khi để mất 1,9%, là mã ảnh hưởng lớn nhất khi lấy đi gần 0,8 điểm của chỉ số chung. Cổ phiếu HPG sau 4 phiên liên tiếp khởi sắc đã chịu áp lực bán và đảo chiều giảm 1%, chốt phiên đứng tại mức giá 25.600 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh hơn 7,1 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, dù không còn giữ “phong độ” như phiên trước, nhưng nhóm cổ phiếu Vingroup vẫn đóng vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường. Ngoài VRE, cổ phiếu VIC chốt phiên tăng 1,3% và đóng góp lớn nhất với hơn 0,83 điểm cho chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu KBC dù mở cửa đảo chiều tăng nhẹ, nhưng áp lực bán mạnh nhanh chóng quay lại khiến mã này có thời điểm lùi về sát giá sàn. Chốt phiên, KBC giảm 5% xuống mức 21.000 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường, đạt hơn 8,6 triệu đơn vị và khối ngoại bán ròng khoảng 2,8 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các nhóm đều biến động trong biên độ hẹp. Trong đó, nhóm bảo hiểm dẫn đầu với mức tăng chỉ nhích 1%, với sự đóng góp chính của BVH, ngoài ra, BIC, BMI, VNR tăng nhẹ quanh mức 1%.
Nhóm chứng khoán chỉ còn tăng nhẹ 0,5%, nhưng vẫn đứng ở vị trí thứ 2 toàn thị trường. Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành tiếp tục là VIX với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm nhẹ 0,4%; trong khi APG là mã tăng tốt nhất đạt 3,8% với thanh khoản chỉ 0,36 triệu đơn vị. Một số mã lớn trong nhóm như VCI tăng gần 2%, VND tăng 1,67%, BSI, SSI chỉ nhích nhẹ; trong khi HCM, FTS, CTS giảm chỉ gần 0,2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chuyển qua trạng thái phân hóa và điều chỉnh nhẹ. Bên cạnh TCB, ACB, MBB, HDB, TPB, EIB vẫn giữ được mức tăng nhẹ chủ yếu trong khoảng 0,5%; các mã VCB, BID, OCB giao dịch trong sắc đỏ, còn SHB, CTG, VPB, STB, LPB, VIB lùi về mốc tham chiếu, với SHB sôi động nhất thị trường đạt hơn 19 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng có phiên giao dịch phân hóa và giằng co nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,05%) lên 210,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,5 triệu đơn vị, giá trị 420,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,63 triệu đơn vị, giá trị gần 33 tỷ đồng.
Cùng trong cảnh ngộ với KBC, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khác là IDC cũng kém lạc quan. Chốt phiên, IDC giảm 2,2% xuống mức 34.900 đồng/CP với thanh khoản đạt 1,97 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu khác trong top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường có diễn biến tích cực hơn đôi chút. Cụ thể, SHS đứng giá tham chiếu và khớp 3,49 triệu đơn vị, MBS tăng 2,3% và khớp 2,96 triệu đơn vị, PVS tăng 1,2% và khớp 2,17 triệu đơn vị, CEO tăng 0,8% và khớp gần 2,1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng cuối phiên đã khiến UPCoM-Index đảo chiều giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 91,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 14 triệu đơn vị, giá trị 151,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,7 triệu đơn vị, giá trị 45,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu duy nhất có thanh khoản trên triệu đơn vị là HNG, đạt 2,17 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 6.500 đồng/CP.
T.Thúy