► Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/4
VN-Index sẽ có nhịp hồi phục lên mức kháng cự 1.275 – 1.300 điểm
Thị trường chứng khoán đã chịu áp lực giảm điểm ngay từ đầu phiên. Một phần do áp lực lượng cổ phiếu hơn 1,7 tỉ cổ phiếu ngày 11/4 về tài khoản, cũng như thông tin kém tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp... Trong phiên 15/4, VN-Index tăng điểm hướng đến vùng kháng cự 1.250 điểm dưới ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu VIC... sau đó áp lực bán gia tăng mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,10%) về mức 1.227,79 điểm. Trong khi VN30 thất bại khi nổ lực vượt lên đường giá trung bình 200 phiên, kết phiên giảm 15,11 điểm (-1,14%) về mức 1,310,76 điểm.
Độ rộng trên HOSE tiêu cực, áp lực bán tiếp tục gia tăng khá đột biến các nhóm mã khu công nghiệp, dệt may, công nghệ... với 239 mã giảm giá; 89 mã tăng giá, tập trung ở số ít mã điện, cảng, phân bón, xây dựng.. và 34 cổ phiếu giữ giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường tăng trên mức trung bình với khối lượng giao dịch tăng 2,2% trên HOSE so với phiên trước. Tuy nhiên, thể hiện áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh ở nhiều mã trong nhóm khu công nghiệp, xuất khẩu... nhóm chịu ảnh hưởng mạnh từ áp đặt thuế quan. Sau khi giảm áp lực bán ròng, khối ngoại đã mua ròng trong phiên 15/4 với giá trị 213,6 tỉ đồng HOSE.
Kết phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,10%) về mức 1.227,79 điểm
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), áp lực chốt lời dâng cao khiến VN-Index đóng cửa giảm điểm sau 3 phiên phục hồi tăng mạnh trước đó. Thanh khoản phiên 15/4 chỉ nhích nhẹ so với phiên trước và khối lượng khớp lệnh cũng chỉ tương đương mức trung bình 20 phiên. Phiên giảm ngày 15/4 có biên độ không lớn và thanh khoản ở mức bình quân nên không có nhiều tác động thay đổi xu hướng trước đó mà thiên về nhịp chốt lời bình thường.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp hồi phục lên mức kháng cự 1.275 – 1.300 điểm - mốc điểm tích lũy trước khi thông tin thuế đối ứng 46% được Mỹ công bố lên hàng hóa Việt Nam. Về ngưỡng hỗ trợ, nếu áp lực bán mạnh xảy ra thì ngưỡng hỗ trợ 1.180 điểm khả năng cao sẽ ngăn VN-Index giảm thêm. Nhà đầu tư có thể căn mua khi VN-Index có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ trên”, chuyên gia của CSI nêu quan điểm.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp và đi ngang
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau nhịp hồi phục mạnh dạng chữ V, thị trường nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái điều chỉnh tích lũy để thiết lập vùng cân bằng ngắn hạn trong thời gian chờ đợi các thông tin đàm phán về thuế quan. Diễn biến các nhóm cổ phiếu sẽ bắt đầu có sự phân hóa mạnh hơn theo kết quả kinh doanh quý 1 trong các tuần cuối tháng 4.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp và đi ngang (Ảnh minh họa: KT)
“Nhà đầu tư có thể xem xét bán chốt lời từng phần với các vị thế mua dò đáy hoặc thực hiện cơ cấu danh mục khi thị trường tiến vào vùng kháng cự 1.245-1.265 điểm. Các hoạt động trading nên chờ đợi thị trường điều chỉnh và thiết lập một vùng dao động giá cân bằng hơn sau nhịp biến động mạnh trước đó”, chuyên gia của BVSC lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp và đi ngang quanh mức hiện tại trong phiên hôm nay 16/4. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên thị trường sẽ có diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên tới và thanh khoản có thể suy yếu trong một vài phiên. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn lạc quan và cơ hội mua mới vẫn còn nhiều.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục từ cổ phiếu yếu (mức Stock Rating < 80 điểm) sang các cổ phiếu mạnh (mức Stock Rating > 80 điểm)”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Diệp Diệp/VOV.VN