Ảnh minh họa
Cân nhắc chiến lược giao dịch thận trọng, ưu tiên bảo toàn vốn
Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị, thị trường giảm điểm nhưng vẫn đang được hỗ trợ tại vùng 1.260 điểm, vùng hội tụ của các đường trung bình. Vùng 1.260 điểm vẫn đang là điểm tựa cho thị trường, đồng thời áp lực suy yếu hiện tại cũng không lớn. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong phiên giao dịch tiếp theo và có cơ hội dần tăng điểm trở lại trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng hồi phục của thị trường. Đồng thời, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn đối với các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản hoặc các cổ phiếu đang chịu sức ép từ vùng cản.
Theo Công ty Chứng khoán Beta, trong bối cảnh này, nhà đầu tư nên cân nhắc chiến lược giao dịch thận trọng, ưu tiên bảo toàn vốn và tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, ít chịu tác động từ biến động vĩ mô. Việc theo dõi các thông tin vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ, lãi suất là điều cần thiết để xác định cơ hội rõ ràng hơn. Nếu thị trường thiếu các thông tin hỗ trợ tích cực trong ngắn hạn, khả năng cao chỉ số sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh tích lũy nhằm tìm điểm cân bằng mới.
Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam cho rằng, xu hướng của thị trường vẫn chưa thoát khỏi kênh Sideway, tích lũy và dường như đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư vẫn nên duy trì kỳ vọng vào sự tích cực của thị trường, nên ưu tiên quan điểm nắm giữ danh mục. Việc tăng thêm tỷ trọng và mở thêm vị thế mua mới ở ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trong các phiên trước đó đến hiện tại chưa có ưu thế quá rõ ràng nên chúng ta tạm thời hạn chế việc mua thêm.
Nhà đầu tư thu mình chờ đợi các tín hiệu mới từ vĩ mô
Sau phiên phục hồi nhẹ, VN-Index đã giảm điểm trở lại dưới áp lực điều chỉnh của nhóm vốn hóa lớn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.261,72 điểm -2,07 điểm (-0,16%).
Thanh khoản khớp lệnh tiếp tục dò đáy, hụt hơi -26% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 471 triệu cổ phiếu (- 8,17%), tương đương 12.064 tỷ đồng (-5,74%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường sắc đỏ chiếm ưu thế nổi trội với 14/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên là các nhóm ngành như: Thực phẩm tiêu dùng (-1%), Bán lẻ (-0,71%), Bảo hiểm (-0,41%), Dầu khí (-0,39%),...Ở chiều ngược lại, ngược dòng thị trường trong phiên gồm có các nhóm ngành: Đường (+1,23%), Hóa chất (+0,48%), Điện (+0,33%),...
Khối ngoại bất ngờ tăng mạnh quy mô bán ròng với giá trị giao dịch đạt -669 tỷ đồng trên sàn HSX. Đây cũng là phiên bán ròng thứ 8 của khối ngoại trong 10 phiên trở lại đây. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong phiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-311 tỷ đồng: -12,1tr USD), MWG (-80 tỷ đồng), NLG (-63 tỷ đồng),...Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại gia tăng tỷ trọng một số mã: SIP (+35 tỷ đồng), VHM (+33 tỷ đồng), HDB (+32 tỷ đồng),...
Cẩm Vân