Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ; Dầu tăng gần 1%

Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ; Dầu tăng gần 1%
7 giờ trướcBài gốc
S&P 500 và Nasdaq có phiên tồi tệ nhất trong hơn 1 tháng
Kết phiên, chỉ số S&P 500 mất 1.86% xuống 5,705.45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 2.76% còn 18,095.15 điểm. Cả 2 chỉ số đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 03/09/2024. Chỉ số Dow Jones trượt dài 378.08 điểm, tương đương 0.9%, xuống 41,763.46 điểm.
Cổ phiếu Microsoft bốc hơi 6% sau khi triển vọng doanh thu của gã khổng lồ ngành công nghệ khiến nhà đầu tư thất vọng và làm lu mờ kết quả lợi nhuận hằng quý vượt kỳ vọng. Cổ phiếu Meta Platforms lùi hơn 4% sau khi công ty mẹ của Facebook không đạt kỳ vọng của Phố Wall về mức tăng trưởng người dùng và cảnh báo rằng chi tiêu vốn sẽ tăng đáng kể trong năm 2025.
Báo cáo lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn từ đầu tuần này đến nay là một bức tranh trái chiều. Trong khi cổ phiếu Alphabet tăng gần 3% vào ngày 30/10 sau khi công ty báo cáo tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, cổ phiếu nhà sản xuất con chip AMD trượt hơn 10% khi nhà đầu tư thất vọng về triển vọng quý 4 của công ty.
Các công ty công nghệ tiếp tục công bố báo cáo lợi nhuận vào ngày 31/10, với kết quả từ các công ty vốn hóa lớn Apple và Amazon sẽ công bố sau phiên ngày thứ Năm.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 9 đã tăng 2.1% so với năm trước, phù hợp với dự báo và tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Số liệu PCE vào thứ Năm, cùng với báo cáo việc làm và thất nghiệp tháng 10 vào thứ Sáu (01/11), sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed vào ngày 07/11 khi cơ quan này kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Các chỉ số chính hiện đang ghi nhận sắc đỏ khi kết thúc tuần. Từ đầu tuần đến nay, Dow Jones mất 0.8%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.8% và 2.3%.
Thứ Năm cũng là phiên giao dịch cuối cùng của một tháng đầy biến động đối với thị trường trong bối cảnh bất ổn gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 05/11. Dow Jones sụt 1.3% trong tháng 10, S&P 500 mất 1%, còn Nasdaq Composite lùi 0.5%.
Dầu tăng khi nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ mạnh hơn
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent nhích 61 xu, tương đương 0.84%, lên 73.16 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 65 xu, tương đương 0.95%, lên 69.26 USD/thùng.
Nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 05/11, nóng lòng muốn xem chiến thắng thuộc về ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hay ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris sẽ có ý nghĩa gì đối với thị trường dầu mỏ.
Chuyên gia phân tích nhận định trừ khi có bất kỳ sự kiện quan trọng nào tác động đến thị trường ở Trung Đông trong 5 ngày tới, giao dịch có khả năng sẽ khá trầm lắng vì nhà đầu tư đang chờ kết quả bầu cử trước khi thực hiện bất kỳ động thái lớn nào.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo xuống mức thấp nhất trong 2 năm trong tuần kết thúc ngày 25/10/2024, trong khi dự trữ dầu thô bất ngờ giảm do lượng nhập khẩu giảm.
Việc dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm bất ngờ so với dự báo đã thúc đẩy giá dầu tương lai trong tuần này.
Khả năng OPEC+ sẽ trì hoãn tăng sản lượng dầu theo kế hoạch cũng hỗ trợ giá dầu vào ngày thứ Năm.
Reuters đưa tin, một quyết định có thể được đưa ra sớm nhất là vào tuần tới. OPEC+ dự kiến sẽ họp vào ngày 01/12 để quyết định các bước chính sách tiếp theo.
Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, hoạt động sản xuất đã tăng trong tháng 10, lần đầu tiên trong 6 tháng, cho thấy các biện pháp kích thích kinh tế đang có hiệu quả.
Yên Huỳnh
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/chung-khoan-my-chim-trong-sac-do-dau-tang-gan-1-post118084.html