Chứng khoán Mỹ rực xanh; Dầu tăng khi nguồn cung khan hiếm

Chứng khoán Mỹ rực xanh; Dầu tăng khi nguồn cung khan hiếm
4 giờ trướcBài gốc
S&P 500 lập đỉnh 2 phiên liền
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.25% lên 5,732.93 điểm. Chỉ số Dow Jones thêm 83.57 điểm, tương đương 0.20%, lên 42,208.22 điểm. Cả 2 chỉ số này đều đạt mức cao mọi thời đại trong phiên và đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.56% lên 18,074.52 điểm.
Cổ phiếu công ty trí tuệ nhân tạo được yêu thích Nvidia tăng vọt gần 4% sau khi nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý cho thấy CEO Jensen Huang đã hoàn tất việc bán cổ phần của nhà sản xuất con chip này trong thời điểm hiện tại.
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã chứng kiến tháng giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua, đạt 98.7 trong tháng 9, thấp hơn so với mức dự báo là 104 từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Dữ liệu này được đưa ra sau lời cảnh báo từ CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase về tình hình bất ổn địa chính trị “ngày càng tồi tệ” và là “lời cảnh báo lớn nhất”. Ông Dimon nói thêm rằng bối cảnh đáng lo ngại này có thể ảnh hưởng đến “tình hình kinh tế” trong tương lai.
Các cổ phiếu Trung Quốc khởi sắc vào thứ Ba sau những nỗ lực kích thích từ Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cổ phiếu Alibaba và JD.com lần lượt bật tăng 7.9% và 13.9%. Cổ phiếu công nghiệp Caterpillar tiến gần 4%.
Các chỉ số chính đang hướng đến ghi nhận mức tăng ổn định trong tháng. Dow Jones đã tăng 1.6% trong tháng 9, còn S&P 500 cộng 1.5%. Nasdaq Composite tiến 2% trong tháng này. Phần nào đà tăng diễn ra khi nhà đầu tư ngày càng hy vọng rằng việc hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng lợi nhuận.
Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 92 xu, tương đương 1.24%, lên 74.82 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 89 xu, tương đương 1.26%, lên 71.26 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường Tony Sycamore của IG cho rằng: “Thị trường dầu thô đang trông chờ tuyệt vọng vào các nhà chức trách Trung Quốc để nới lỏng thêm các biện pháp nhằm đối phó với sự suy thoái kinh tế.”
Vào đầu phiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và quay trở lại mục tiêu tăng trưởng của chính phủ.
Gói kích thích lớn hơn dự kiến cung cấp thêm nguồn tài trợ và hạ lãi suất là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm khôi phục niềm tin sau một loạt dữ liệu gây thất vọng làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kéo dài về mặt cấu trúc.
Tuy nhiên, Kelvin Wong, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Để đợt tăng giá dầu kéo dài, các chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc cần phải đi kèm với các chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy nhu cầu trong nước.”
Tại Trung Đông, một khu vực sản xuất dầu quan trọng, quân đội Israel cho biết đã tiến hành các cuộc không kích vào các địa điểm của Hezbollah ở Lebanon vào ngày 23/09.
Các cuộc không kích có nguy cơ kéo Iran, một nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vốn ủng hộ Hezbollah, tiến gần hơn đến xung đột với Israel và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh rộng hơn trên khắp khu vực.
Trong khi đó, các nhà sản xuất Mỹ đang phải vật lộn để sơ tán nhân viên khỏi các giàn khoan sản xuất dầu ở Vịnh Mexcio khi cơn bão thứ 2 trong 2 tuần được dự báo sẽ tàn phá các mỏ dầu ngoài khơi. Một số công ty dầu mỏ đã tạm ngừng một số hoạt động sản xuất.
Yên Huỳnh
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/chung-khoan-my-ruc-xanh-dau-tang-khi-nguon-cung-khan-hiem-post117247.html