CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) cho biết ngày 23/12/2024, HĐQT công ty đã thông qua thông qua kế hoạch không triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, thay vào đó thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo kế hoạch, TPS sẽ phát hành gần 201,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 2:1,2 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1,2 cổ phiếu mới), giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu thành công, số cổ phiếu lưu hành của TPS sẽ tăng từ gần 336 triệu đơn vị lên gần 538 triệu đơn vị, đồng nghĩa vốn điều lệ tăng thêm 2.016 tỷ đồng, đạt mức 5.376 tỷ đồng.
Đợt phát hành dự kiến thực hiện từ quý 1 đến hết quý 3/2025.
Với giá phát hành 10.000 đồng/cp, TPS dự kiến thu về gần 2.016 tỷ đồng. Công ty cho biết số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để phục vụ các mục đích kinh doanh: 50% dành cho vay giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán, 40% cho hoạt động tự doanh, và 10% cho các nghiệp vụ khác, toàn bộ giải ngân trong năm 2025.
Công ty cho biết sau đợt phát hành vẫn đảm bảo quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%. Theo dữ liệu được chính Công ty công bố, đến hết ngày 12/12/2024, tỷ lệ sở hữu nước ngoại tại Công ty đang là 1,14%.
Nhìn lại năm 2024, Công ty đã có đến 2 lần tăng vốn, lần lượt từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng vào tháng 4, sau đó tăng tiếp lên gần 3.360 tỷ đồng vào tháng 8.
Ngoài kế hoạch phát hành cổ phiếu, TPS cũng phê duyệt hạn mức vay vốn 500 tỷ đồng tại VietinBank Chi nhánh 1 để đầu tư và kinh doanh trái phiếu Chính phủ. Điều này thể hiện chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư, đồng thời củng cố tiềm lực tài chính của công ty.
Chứng khoán Tiên Phong được thành lập từ cuối năm 2006. Hiện công ty đang có vốn điều lệ đạt 3.360 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đang là cổ đông lớn nhất của Chứng khoán Tiên Phong với tỷ lệ chi phối 9,01% vốn.
Ảnh minh họa
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2024, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 541,3 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi phí hoạt động giảm đáng kể với mức 'sụt' 47% về mức 228,5 tỷ đồng.
Kết quả là, lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận đạt 166 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động đạt 1.579,6 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động đã được tối ưu hóa ở mức 761 tỷ đồng, giảm mạnh 54,1% so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng lợi nhuận.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 308,1 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng trong báo cáo tài chính quý 3 là sự tăng trưởng của các tài sản tài chính. Cụ thể, tài sản tài chính tính đến ngày 30/9/2024 ở mức 11.337 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối quý trước và tăng 65% so với đầu năm.
Trong đó, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 2.766 tỷ đồng, tăng 33,1% so với đầu năm và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 247% so với đầu năm.
Hoạt động cho vay ký quỹ tăng trưởng gần 114% so với đầu năm, đạt dư nợ cho vay 2.336 tỷ đồng. Nhờ vậy, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong 9 tháng đầu năm ghi nhận đạt 131 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 62% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay ghi nhận 377 tỷ đồng, tăng 2,3% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Quy mô tổng tài sản tính đến cuối quý 3/2024 đã tăng 65% so với đầu năm, đạt 11.400 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.269 tỷ đồng.
Minh Vy