Ảnh minh họa
Tránh giao dịch ngắn hạn thiếu cơ sở và tăng cường quản lý rủi ro
Chuyên gia Công ty kiến thiết Việt Nam khuyến nghị, nhà đầu tư nên mở vị thế mua thăm dò tại ngưỡng 1.248 – 1.250 điểm. Việc dò đường chưa có kết quả nên nhà đầu tư càng phải thận trọng hơn, tránh việc mua thêm bình quân giá xuống. Không loại trừ khả năng VN-Index có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.230 điểm, tại mốc này đà giảm được cản lại thì mới nghiên cứu mở thêm vị thế mua mới.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán BETA, dưới tình hình thị trường hiện tại với áp lực bán mạnh từ khối ngoại và sự thiếu vắng dòng tiền mới, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc ra quyết định giao dịch. Các nhóm ngành dẫn dắt vẫn chưa thể hiện được vai trò nâng đỡ thị trường, khiến diễn biến chung trở nên kém tích cực. Đây là thời điểm quan trọng để nhà đầu tư xem xét và cơ cấu lại danh mục của mình. Việc ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn và đang nhận được sự quan tâm từ dòng tiền là điều cần thiết. Đồng thời, tránh các giao dịch ngắn hạn thiếu cơ sở và tăng cường quản lý rủi ro sẽ giúp bảo toàn vốn. Thời kỳ này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn hơn là những quyết định nóng vội.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường điều chỉnh khi VN30 đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá thấp nhất tháng 9/2024 cũng như giá trung bình 200 phiên. SHS cũng kỳ vọng áp lực điều chỉnh sẽ giảm và cân bằng ở vùng này đối với VN30. Với diễn biến hiện tại, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thị trường có diễn biến cân bằng hơn đối với VN30 trong những phiên đến và VN-Index vượt lên xu hướng giảm giá ngắn hạn hiện nay. Tỉ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Sáng lên chiều xuống, áp lực bán lớn đến từ khối ngoại
Sau khi phục hồi cuối phiên trước, VN-Index tăng điểm đầu phiên lên 1.257 điểm, vùng kháng cự ngắn hạn giá trung bình 200 phiên hiện nay. Áp lực điều chỉnh sau đó gia tăng mạnh hơn, tập trung nhiều ở nhóm vốn hóa lớn, VN30. Một phần nguyên nhân do VN30 đang chịu áp lực điều chỉnh về giá trung bình 200 phiên cũng như vùng giá thấp nhất tháng 9/2024 tương ứng quanh 1.285 điểm. Kết phiên VN-Index giảm 5,50 điểm (-0,44%) về mức 1.244,82 điểm. Thanh khoản giảm với khối lượng -27,49% so với phiên trước (11/11).
Thanh khoản khớp lệnh sụt giảm, hụt hơi -3,2% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 562 triệu cổ phiếu (-24,88%), tương đương 14,1 tỷ đồng (-27,54%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường quay lại trạng thái ảm đạm trước đó với 16/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên chỉ số và tâm lý giao dịch trong phiên 12/11 là các nhóm ngành như: Bán lẻ (-2,10%), thủy sản (-1,44%), dệt may (-1,16%),...Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng thành công bao gồm: Công nghệ viễn thông (+2,03%), điện (+0,26%), hóa chất (+0,24%), xây dựng (+0,21%),...
Khối ngoại bán ròng -608 tỷ đồng (-23,7tr USD) trên sàn HSX, duy trì đà bán ròng liên tiếp từ đầu tháng 11. Tâm điểm bán ròng trong phiên 12/11 là nhóm cổ phiếu: TCB (-103 tỷ đồng: -4tr USD), PVD (-66 tỷ đồng: -2,6tr USD), MSN (-63 tỷ đồng: -2,5tr USD),...Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại nâng ròng tỷ trọng một số mã: STB (+58 tỷ đồng: +2,3tr USD), SAB (+27 tỷ đồng:+1,1tr USD), HPG (+23 tỷ đồng: +0,9tr USD),...
Cẩm Vân