Chung một tấm lòng

Chung một tấm lòng
6 giờ trướcBài gốc
Tân lúc nào cũng mang trong mình nguồn năng lượng vô tận, cuộc sống của bạn dường như không có khái niệm không thể. Với bạn, việc gì cũng có cách giải quyết, tự tìm niềm vui trong nỗi buồn, tự tạo động lực trong khó khăn. Quê Tân ở Hà Tĩnh, nơi mỗi năm hứng chịu vài cơn bão, nhẹ thì hư hại hoa màu, mất mát vật nuôi, nặng thì có khi tan hoang nhà cửa... Ấy vậy mà Tân lúc nào cũng lạc quan với niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hôm rồi nghe tin bão, tôi vội gọi điện thoại hỏi thăm tình hình chỗ Tân thế nào. Tân bảo, xém thì bay nóc nhà bạn ạ. Có kinh nghiệm nhiều năm nên khi nghe chuyển bão, bạn đã giằng lại mái nhà cho chắc chắn. Cơn bão với sức gió mạnh, nhìn đồng bào gặp nạn không đành, Tân cùng một số thanh niên khỏe mạnh ở làng đã cùng nhau vận động đóng góp mua được ít áo phao, thực phẩm rồi cứ thế lên đường đến vùng tâm bão. Chuyến đi của nhóm Tân được chính quyền địa phương hướng dẫn và cùng tham gia đội cứu hộ tại địa bàn.
Suốt mấy ngày không liên lạc được với Tân khiến lòng tôi như lửa đốt. Trong Nam, tôi khẩn trương cùng mọi người gom góp lương thực, nhu yếu phẩm gửi về các tỉnh miền Bắc bị bão lũ. Đến hôm nay nhận được cuộc điện thoại từ Tân mới làm tôi nhẹ nhõm. Trong điện thoại, tiếng Tân vẫn rổn rảng kèm một tràng cười sảng khoái khi hứa hẹn vào Nam chúc mừng sinh nhật tôi.
Tôi và Tân quen nhau trong một chuyến thiện nguyện lên vùng Tây Bắc. Khi ấy, tôi là sinh viên mới ra trường. Vì muốn trải nghiệm cuộc sống nên tôi đã dành 1 năm cùng các đoàn thiện nguyện đến những vùng quê nghèo khó. Cho đi là nhận lại, chúng tôi cả người cho và người nhận đều thấy trân quý và ấm lòng.
Chúng tôi không đi cùng đoàn, tôi gặp Tân khi đặt chân đến một bản làng, nơi mà người dân không biết nói tiếng Việt. Làng chỉ có người già và trẻ nhỏ, những người khỏe mạnh thì đi rừng khoảng 1 tuần hay nửa tháng mới về. May thay, Tân biết tiếng đồng bào nên đứng ra phiên dịch. Mới đầu, tôi nghĩ Tân là người địa phương, sau mới biết năm nào Tân cũng đến đây, mang cho bà con một chút niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Đi lại nhiều, rồi Tân dần học được tiếng của đồng bào nơi đây.
Tân bảo bạn không có nhiều tiền đâu, mỗi lần lên đây bạn đem theo lương thực quê nhà, một chút thuốc men, một ít sữa cho trẻ nhỏ. Có đợt Tân ở lại cả tháng để dạy chữ cho mấy đứa trẻ. Điểm trường xa nhà, các gia đình không thể đưa đón, các em còn nhỏ nên không thể tự đi.
Tôi dần cảm mến cậu bạn này từ lúc nào không hay, nước da ngăm đen, đôi mắt sáng rực và nụ cười luôn nở trên môi. Chúng tôi kết bạn và giữ liên lạc với nhau. Từ đó, mỗi khi đến vùng đất mới nào tôi lại kể Tân nghe về con người, cảnh vật, về những hoàn cảnh, số phận. Cứ như thế, chúng tôi trở thành hai người bạn không thể thiếu nhau.
Tân không thể đi nhiều như tôi vì hoàn cảnh cha mẹ già, mỗi năm bão lũ đi qua là người dân quê Tân lại oằn mình chống bão. Ấy vậy, Tân không bao giờ than thở về số phận, về khó khăn, thi thoảng bạn còn bông đùa nói bão như “đặc sản” của miền Trung vậy...
Tôi vào làm việc tại một cơ quan nhà nước, còn Tân trụ lại quê nhà. Với Tân, nơi chôn nhau cắt rốn dẫu 1 năm đôi ba lần giông bão nhưng đó là nhà, là máu thịt không thể rời đi. Tôi không có thời gian cho những chuyến thiện nguyện nữa, chỉ đóng góp một chút tấm lòng trong mỗi đợt đoàn đi. Còn Tân vẫn đi về với bà con vùng cao một năm đôi lần, chỉ đến khi có gia đình riêng Tân mới đành gác lại.
Làm bạn với nhau hơn 10 năm, tôi từng vài lần về quê Tân chơi. Quê Tân dù thiên nhiên không ưu đãi nhưng bù lại người dân nơi đây hết sức hồn hậu, dễ thương. Tân đã dạy cho tôi biết rằng, không phải khi dư thừa chúng ta mới chia sẻ, mà quý giá nhất chính là sẻ chia những gì ta đang có. Cảm ơn những trải nghiệm của thời tuổi trẻ, cảm ơn những chuyến đi góp mật cho đời để tôi tìm được một người bạn có tấm lòng thơm thảo. Tình bạn đôi khi được dựng xây từ những điều rất đơn giản, chung đam mê, chung chí hướng và đặc biệt là chung một tấm lòng.
Đỗ Thanh Quang
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/163118/chung-mot-tam-long