Chung tay xây dựng nông thôn mới

Chung tay xây dựng nông thôn mới
4 giờ trướcBài gốc
KHÔNG CHẠY ĐUA THÀNH TÍCH
Năm 2023, toàn tỉnh có 7 xã đầu tư xây dựng NTM tiêu chuẩn và cuối năm 2024 đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh họp xét đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn 6/7 xã, gồm: Phước Sơn, Đắk Nhau (Bù Đăng); Đắk Ơ (Bù Gia Mập); Thanh An (Hớn Quản); Phú Trung, Phước Tân (Phú Riềng). Riêng xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh chưa được thẩm định công nhận do 2 tiêu chí chưa hoàn thành là quy hoạch và trường học.
Do nằm trên đất lâm phần và vướng quy hoạch bô-xít nên nhiều công trình xây dựng NTM ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập bị tạm ngưng
Trong 6 xã xây dựng NTM nâng cao năm 2023, có 2 xã gồm Đồng Tiến (Đồng Phú) và Minh Lập (Chơn Thành) đã được công nhận đạt chuẩn; 3/4 xã còn lại gồm Bình Sơn (Phú Riềng), Bom Bo (Bù Đăng), Thiện Hưng (Bù Đốp) cuối năm 2024 được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh họp xét đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn. Riêng xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản chưa được thẩm định công nhận do còn 4 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, trường học và an ninh trật tự. Như vậy, cùng với các xã NTM thì xã xây dựng NTM nâng cao năm 2023 vẫn chưa đạt 100% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.
Được đầu tư xây dựng NTM nâng cao năm 2024 nhưng vì nguồn vốn hạn chế nên các tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Nha Bích, TX. Chơn Thành chỉ đầu tư cấp phối sỏi đỏ thay vì trải nhựa hoặc bê tông xi măng
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lường Đình Hải cho hay: Năm 2024, toàn tỉnh có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nhưng do vướng quy hoạch khoáng sản bô-xít nên phải đưa 2 xã Nghĩa Bình và Đồng Nai (Bù Đăng) ra khỏi chỉ tiêu phấn đấu, chờ chủ trương mới của Trung ương. 3 xã còn lại đầu tư xây dựng là Đăng Hà (Bù Đăng), Tân Hưng (Hớn Quản) và Phú Văn (Bù Gia Mập). Hiện xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã gửi hồ sơ trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh xem xét, đối chiếu nếu đủ điều kiện sẽ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận trong quý 1/2025. 2 xã Tân Hưng, Phú Văn thì Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đang đôn đốc các địa phương thẩm tra, tuy nhiên khó hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2024. Lý do là xã Phú Văn một phần nằm trên đất lâm phần, một phần đất vướng quy hoạch bô-xít nên một số công trình chưa được triển khai xây dựng. Đối với xã Tân Hưng, tiêu chí quy hoạch thực hiện chậm và nguồn lực đầu tư hạn chế nên các tiêu chí trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa thực hiện chưa thỏa đáng.
NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ HẠN CHẾ
Để đầu tư xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao cần đầu tư nguồn vốn lớn hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận, ngoài một số xã được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn như Đăng Hà, Đắk Nhau của huyện Bù Đăng thì nhiều địa phương khác do nguồn thu không đạt nên đầu tư hạn hẹp. Cùng với đó, nguồn vốn được giải ngân chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Người dân xã Đắk Ơ thừa hưởng cơ sở hạ tầng khang trang từ xây dựng nông thôn mới
Trao đổi về vấn đề này, ông Lường Đình Hải cho biết: Những năm gần đây, nguồn thu ngân sách của tỉnh giảm nên đầu tư cho NTM cũng giảm tương ứng. Còn việc giao vốn chậm trong đó có một phần trách nhiệm của cơ quan tham mưu là Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đề xuất lên UBND tỉnh chậm. Thông thường giao từ cuối năm trước, nhưng năm 2024 giao trễ 1 quý, do lỗi của cơ quan chuyên môn tham mưu. Do đó, đã ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện và giải ngân cho các địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương giải ngân không được như kỳ vọng do phải tuân thủ chặt chẽ về xây dựng cơ bản, quy hoạch, trình tự, thủ tục. Việc chặt chẽ, thận trọng cộng với nguyên nhân khác nên vốn giải ngân đến cuối tháng 11-2024 mới đạt gần 40%. Vì vậy, kỳ vọng số liệu giải ngân vào ngày 31-1-2025 sẽ khả quan hơn.
Cuối năm 2023, tỉnh Bình Phước có quy hoạch bô-xít nên các xã nằm trọn trong vùng quy hoạch không thể triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và xây dựng NTM nói riêng nếu như Trung ương không cho cơ chế đặc thù. Đã phân ra lộ trình cụ thể (2020-2025), vì vậy các địa phương đều quyết liệt thực hiện trong đó chúng tôi đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và trách nhiệm tham mưu của văn phòng điều phối xây dựng NTM trong việc đôn đốc, nhắc nhở.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh LƯỜNG ĐÌNH HẢI
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bình Phước phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Theo đó, từ năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình hằng năm nhằm gắn với kế hoạch đầu tư công; năm 2024 thực hiện 5 xã, năm 2025 chỉ thực hiện ở 1 xã cuối cùng là Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Song song đó là thực hiện các xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố khách quan nên kế hoạch cho cả giai đoạn khó có thể thực hiện thành công.
KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN
“Qua tổng kết thực tiễn tình hình thực hiện xây dựng NTM thời gian qua cho thấy, UBND tỉnh đã phân các xã theo lộ trình từng năm thì các công việc đi theo cũng nên phân kỳ không làm đồng loạt. Ví như quy hoạch là tiêu chí không tốn nhiều tiền nhưng qua rất nhiều bước. Tôi theo dõi tiêu chí quy hoạch của xã Thanh An phải thực hiện 27 bước mới hoàn thành. Tại các huyện Phú Riềng, Bù Đăng lại không phân kỳ theo xã về đích mà quy hoạch 8 xã cùng lúc nên xã này đợi xã kia, ngoài ra còn thông qua cấp ủy, chính quyền nên tốn nhiều thời gian. Kinh nghiệm là phân kỳ theo từng xã, xã làm trước, xã làm sau, không nên làm đồng loạt. Cụ thể như xã Đăng Hà xây dựng NTM năm 2024 mới gửi hồ sơ lên tỉnh nhưng quy hoạch đã thực hiện xong” - ông Hải chia sẻ kinh nghiệm.
Tuyến đường giao thông nông thôn ở xã NTM nâng cao Bình Tân, huyện Phú Riềng được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ 4m lên 9m
Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, huy động sự đồng lòng của người dân trong việc đóng góp vốn đối ứng xây dựng NTM. Hiện nay, cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã bão hòa và chững lại. Hầu như các địa phương không làm tuyến đường mới mà nâng cấp, mở rộng các tuyến hiện hữu nhằm đảm bảo việc quy hoạch giao thông, đồ án được phê duyệt cũng như đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Và việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông sẽ có sự đóng góp đối ứng của người dân nên tránh được tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, nợ đọng vốn đối ứng người dân. Và đó cũng là kinh nghiệm hay được các địa phương áp dụng thực hiện hiệu quả.
Kỳ vọng với những kinh nghiệm được Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh chia sẻ từ thực tiễn sẽ được các địa phương áp dụng. Qua đó, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, lộ trình đề ra và không nợ đọng. Cùng với đó, các địa phương cần huy động sự vào cuộc của mỗi tổ chức, đoàn thể và người dân quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường, phân loại, thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định, tạo một miền quê bình yên, trong lành, đáng sống.
Vũ Thuyên
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/168060/chung-tay-xay-dung-nong-thon-moi