Các thành viên đều là những người yêu điệu múa, lời hát, văn hóa Mường
Họ không chỉ bảo tồn, mà còn đang tìm cách hồi sinh một không gian văn hóa, để truyền lửa cho thế hệ trẻ, những người tưởng như đang xa dần với bản sắc dân tộc mình.
Gieo hạt giữa đất quê mình
Cách đây 3 năm, một sự kiện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đã diễn ra tại khu Mai Thịnh, xã Địch Quả: Lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân tộc Mường Phụ nữ Làng Mai Thịnh. Đây là một phần trong Đề án "Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2021-2025".
Ban đầu chỉ có vài chục chị em tham gia, nhưng dần dà, CLB đã quy tụ được 52 hội viên, trong đó có 5 người đã ngoài 70 tuổi - những "kho tàng sống" của văn hóa Mường. Những người còn lại đều ở độ tuổi từ 30 đến 65, vừa đủ để tiếp thu, vừa có sức lan tỏa. Họ đến với CLB bằng nhiều lý do, nhưng điểm chung là một tình yêu mãnh liệt với tiếng trống chiêng, với điệu múa xòe, với những câu hát dân ca Mường nhuốm màu thời gian.
Chị Hà Thị Quyên, Chủ nhiệm CLB
"Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: Nếu không bảo tồn từ bây giờ, văn hóa Mường rồi sẽ trôi tuột vào ký ức. Mà ký ức thì có thể mờ đi, còn bản sắc thì phải sống mãi", chị Hà Thị Quyên, Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Không phải ai cũng có đủ sức khỏe để lên sân khấu biểu diễn, nhưng trong CLB, những hội viên cao tuổi như bà Nguyễn Thị Thu Hà, bà Hà Thị Phương vẫn đóng vai trò như những "người giữ lửa". Họ thuộc từng điệu múa cổ, từng câu hát ru xưa, từng tích chuyện dân gian Mường như lòng bàn tay.
"Tuổi cao thì có cái hay là nhớ nhiều. Mà cái gì nhớ rồi thì phải kể lại cho con cháu. Mình mà không nói, không múa, không dạy thì ai làm đây?", bà Hà nói với sự hi vọng và đầy quyết tâm.
Mỗi thành viên đến với CLB bằng nhiều lý do, nhưng điểm chung là một tình yêu mãnh liệt với tiếng trống chiêng, với điệu múa xòe, với những câu hát dân ca Mường nhuốm màu thời gian
Không chỉ biểu diễn, các bà còn trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy cho hội viên trẻ từ cách mặc váy Mường đúng kiểu, đến cách gõ chiêng sao cho "vừa tai, vừa hồn". "Múa Mường mà không đúng nhịp chiêng thì chẳng khác nào mặc váy hoa mà quên đội khăn", một hội viên hài hước nói.
Tình yêu thì có, ký ức thì đầy, nhưng hành trình gìn giữ văn hóa Mường chưa bao giờ là dễ dàng. Khó khăn đầu tiên chính là kinh phí hoạt động. "Nhiều khi muốn tổ chức buổi truyền dạy, phải chạy đi xin từng bộ quần áo, từng bộ chiêng, từng tấm vải may khăn. Không ai trả công, cũng chẳng có phụ cấp gì. Nhưng chị em vẫn làm vì không ai khác sẽ làm thay.
Khó nhất có lẽ là làm sao để thế hệ trẻ quan tâm. "Có giai đoạn, chúng tôi mời các cháu đến học múa, học hát, nhưng các cháu còn bận đi học, bận điện thoại, bận mạng xã hội... Có hội viên nản lòng, bảo: Chắc thế hệ sau chẳng còn ai yêu văn hóa Mường nữa đâu. Nhưng rồi nhờ Hội LHPN xã động viên, hỗ trợ, chúng tôi lại quyết tâm làm tiếp", chị Quyên kể.
Từ một CLB nhỏ, các tiết mục của phụ nữ làng Mai Thịnh đã tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng, và được đón nhận nồng nhiệt
Cái khó ấy, theo chị, không chỉ là khoảng cách thế hệ, mà còn là khoảng cách của ngôn ngữ, cảm xúc và sự ưu tiên. "Giữa một bên là tiếng chiêng rền núi và một bên là TikTok, thì chiêng sẽ thua nếu ta không tìm cách cho chiêng sống lại theo cách trẻ hiểu được".
Một ngọn lửa, nhiều bàn tay giữ
Thành quả của những nỗ lực ấy không phải là những con số, mà là cảm xúc. Từ một CLB nhỏ, các tiết mục của phụ nữ làng Mai Thịnh đã tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng, và được đón nhận nồng nhiệt.
"Chúng tôi từng đạt nhiều giải thưởng của huyện và có những lần đi biểu diễn ở lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hay Hội đình Lưa xã Tân Lập, chúng tôi được khán giả đứng lên vỗ tay như gặp lại người thân xa quê lâu ngày", chị Quyên xúc động kể.
Thành viên CLB gồm nhiều lứa tuổi
Nhưng CLB không dừng lại ở đó. Họ đang ấp ủ một kế hoạch dài hơi như tổ chức lớp học tiếng Mường cho thanh thiếu niên; liên tục mở các buổi giao lưu văn hóa tại các xã lân cận để trao đổi và học hỏi; tổ chức biểu diễn định kỳ để giữ lửa đam mê và nuôi hy vọng.
Để CLB duy trì và phát triển, sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo địa phương là vô cùng quan trọng. Không cần quá nhiều kinh phí, chỉ cần một nơi tập luyện ổn định, một chương trình phối hợp với các trường học, một vài trang thiết bị cơ bản, cũng đã đủ để tiếp sức cho những "người giữ lửa" nơi đây.
"Chúng tôi không cần sân khấu lớn, chỉ mong có chỗ để hát, để truyền nghề. Có chỗ để các cháu đến, để ngồi nghe bà kể chuyện, học múa, hát đôi câu dân ca. Nếu văn hóa Mường không sống trong người trẻ, thì sớm muộn gì nó cũng chỉ còn trong sách mà thôi", chị Quyên nói chậm rãi, nhưng ánh mắt vẫn ánh lên hy vọng.
Chúng ta không thể bảo tồn văn hóa chỉ bằng một bản đề án hay một vài lễ hội hoành tráng. Văn hóa chỉ sống khi nó được trao truyền bằng trái tim. Và ở Mai Thịnh, những người phụ nữ đang làm điều ấy, mỗi ngày, lặng lẽ mà kiên cường.
CLB Văn hóa dân tộc Mường làng Mai Thịnh
Bài, ảnh: An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/chung-toi-khong-can-san-khau-lon-chi-mong-co-cho-de-hat-de-truyen-nghe-20250513225951246.htm