Tại Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Tại nhiều tọa đàm, hội thảo, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, trong đó có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải luôn dành thời gian để lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia góp ý cho công tác đảm bảo vệ môi trường tại Thủ đô. Đây là điều đáng mừng...
Chia sẻ thêm tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững là vấn đề xu hướng của thời đại. Đây cũng là chủ đề rất hay, rất nóng đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Đặc biệt khi Luật Thủ đô 2024 đã được thông qua.
Khi đề cập đến phát triển đô thị xanh là vấn đề rất rộng lớn gồm có rác thải, giao thông vận tải, năng lượng... Nói đến phát triển kinh tế xanh cũng bao hàm nhiều lĩnh vực như nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, giao thông xanh, năng lượng xanh, tiêu dùng xanh, quản trị xanh…
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII
Vì vậy, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội cần chọn các vấn đề nóng, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Trong đó, câu chuyện làm sạch sông Tô Lịch mà Thành phố Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một việc làm rất tốt.
Mọi người vẫn thường nói Hà Nội là trái tim của cả nước và trái tim đó phải khỏe, trái tim đó phải mạnh mẽ. Vậy làm thế nào để trái tim khỏe, trái tim mạnh mẽ là việc làm chúng ta phải bàn đến. Có bao nhiêu vấn đề như vậy, lãnh đạo Thành phố Hà Nội chọn vấn đề gì giải quyết trước?
“Vừa rồi, Hà Nội chọn vấn đề làm sạch sông Tô Lịch là việc làm rất thiết thực, được người dân mong đợi. Sông Tô Lịch là giấc mơ, ký ức của chúng tôi những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sông Tô Lịch như “mạch máu”, nó mang giá trị văn hóa, rất linh thiêng. Nếu làm sạch được sông Tô Lịch, thì người dân Thủ đô sẽ “tạc tượng” các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Chúng tôi cũng mong rằng, sông Tô Lịch sẽ trở lại trong xanh, cá trắng chứ không phải cá đen tung tăng bơi dưới nước”, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Làm sạch sông Tô Lịch là mong ước của người dân Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hưởng
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, để cải tạo, làm sạch sông Tô Lịch, UBND Thành phố Hà Nội cần minh bạch phương án, kinh phí, đơn vị thực hiện… để các nhà khoa học, giới chuyên môn giám sát, phản biện. Đồng thời, làm rõ công tác quản lý, phân cấp quản lý sông Tô Lịch sau tiến hành cải tạo, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ phương án… để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
“Sông Tô Lịch không của riêng ai, nó là của chung nhân dân Thủ đô, gắn liền với cả quá trình phát triển của Thủ đô”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trước đó, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, sau khi họp bàn, Hà Nội đã “chốt” phương án lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch, thay vì lấy nước ở Hồ Tây như trước đó.
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, việc đưa nước sông Hồng vào là đúng đắn vì không thể dùng nước Hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch, như vậy sẽ làm cạn nước Hồ Tây.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho biết, về việc làm ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch, sở đã tính toán các phương án. Theo đó, phương án tốt nhất hiện nay để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch là lấy nước từ sông Hồng đưa vào ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đường Âu Cơ.
Trước đó, ngày 1/12, Hà Nội đã đưa vào vận hành gói thầu số 1, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m³/ngày đêm.
Hiện Hà Nội đã thu gom nước thải ở các cổng xả thải dọc sông Tô Lịch để chuyển về nhà máy xử lý. Sau khi đưa vào vận hành thử nghiệm, dự kiến phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ lập báo cáo dự án xử lý, tái chế bùn thải thoát nước đặt ở huyện Thường Tín. Mục tiêu của dự án trên là để xử lý từ 1.500 tấn, sau đó nâng công suất lên là 3.000 tấn bùn thải/ngày đêm. Bùn thải sau xử lý sẽ được vào tái sử dụng tại các nhà máy làm xi măng, hoặc để trồng cây…
Hải Sơn