'Chúng tôi xung trận không phải để thành anh hùng'

'Chúng tôi xung trận không phải để thành anh hùng'
8 giờ trướcBài gốc
Sáng nay (21/4), Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu miền Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Nguyễn Huế
Tại cuộc gặp gỡ này, các cán bộ lão thành, cựu tù chính trị, người có công với cách mạng có những chia sẻ đầy xúc động về hành trình chiến đấu, những năm tháng bị tù đày cũng như nguyện vọng, gửi gắm tới Đảng và Nhà nước.
'Sống để tiếp tục cống hiến cả phần những đồng đội đã hy sinh'
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Phan Thị Ngọc Tươi đã tham gia rất nhiều trận đánh và lập nhiều chiến công vang dội.
Tại buổi gặp mặt hôm nay, bà khẳng định: "Với lòng yêu nước nồng nàn, chúng tôi quên mình lao lên phía trước, quyết đánh quyết thắng quân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975. Chúng tôi xung trận không phải để thành anh hùng. Chúng tôi còn sống qua chiến tranh là may mắn và cũng là sứ mệnh, sống để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc thay cả phần những đồng đội đã hy sinh”.
Bà nghẹn ngào cho biết từng chứng kiến người thủ trưởng của mình chiến đấu oanh liệt với kẻ địch rồi hy sinh, bị treo lên giữa phố. Bà cũng chứng kiến đồng đội từng người từng người lần lượt anh dũng ngã xuống ở tuổi thiếu niên.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi.
“Họ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong đó, nhiều đồng chí chiến đấu thầm lặng, âm thầm ngã xuống rồi dần chìm vào quên lãng, bởi họ mang sứ mệnh bí mật nên những bí mật về họ cũng bị chôn kín với lớp bụi thời gian, khi thủ trưởng - người duy nhất nắm thông tin duy nhất về họ cũng hy sinh…", nữ anh hùng bồi hồi nói.
Bà nhớ như in từng câu từng chữ lời ủy thác cuối cùng người thủ trưởng trước lúc ông anh dũng bỏ mình vì đất nước. Tôi thấy mình có lỗi vì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà chỉ hoàn thành được một nửa di nguyện của ông.
Đó là, ông dặn: “Con à, sau này thống nhất nước nhà, nếu con còn sống thì phải thay cậu cất nhà cho đơn vị, để có chỗ cất giữ kỷ vật và đồng đội có nhớ căn cứ thì có chốn đi về. Nhà nhỏ lớn gì cũng phải cất nha con”. Vậy mà hơn nửa thế kỷ rồi tôi vẫn chưa thực hiện được lời căn dặn đó. Nhiều lần chuẩn bị cất nhà thì phải dừng lại. Đồng đội chờ không nổi lần lượt qua đời…” - bà Tươi nghẹn ngào.
Còn ông Trần Nhật Nghĩa đến từ Bình Thuận là cựu tù chính trị ở Côn Đảo. Tới với buổi gặp mặt hôm nay, ông Nghĩa gần như nghẹn lời trong suốt phần phát biểu của mình.
Ông Nghĩa kể: "Giữa đêm 30/4/1975, trong xà lim số 30 ở khu E, 3 anh em chúng tôi nghe tiếng hô vang “Sài Gòn đã giải phóng”. Tới 1h sáng, cửa xà lim bật tung, tù chính trị chúng tôi ôm chặt nhau, lệ dâng trào.
Sáng hôm đó, tất cả bận rộn, hăng say lao vào công việc. Tôi chưa về đất liền ngay mà được giữ lại để xây dựng chính quyền ở Côn Đảo.
Sau ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1975, tôi và các cựu tù khác mới chia tay Côn Đảo trên chuyến tàu cuối cùng về đất liền. Ngồi trên tàu, các anh chị em đều hồi hộp về phút giây sắp được đoàn tụ với người thân".
Cựu tù Côn Đảo - ông Trần Nhật Nghĩa rất xúc động khi nói về đồng đội.
Ông cho biết, tối 23/5/1975, các lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tiếp đón hết sức thân tình đoàn chiến thắng của tỉnh từ “địa ngục trần gian” thoát chết trở về.
"Chúng tôi được đón tiếp rất long trọng, đầm ấm, thấm đượm tình đồng chí. Nhưng tôi cũng rất buồn khi biết tin về sự hy sinh của các đồng đội", ông Nghĩa bày tỏ.
Từ năm 1957-1975, nhiều người con ưu tú của dân tộc ta đã bị đày ra Côn Đảo. Có những người vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang Hàng Dương.
"Tôi biết có anh vào tù từ năm 20 tuổi, may mắn là trước đó vừa lập gia đình. Ngày cha ra tù, con cũng tròn 20 tuổi. Nhưng cũng có anh bị giam cầm tới 20 năm mà lúc vào tù còn chưa có người yêu. Đáng thương là 2 bạn tù của tôi bị đánh lúc tỉnh lúc mê.
Sau khi đất nước thống nhất, họ được trở về nhưng vẫn phải sống biệt lập để khỏi gây thương tích cho người thân. Một anh mới mất năm 2021. Còn một chị nay chỉ còn da bọc xương, hết cần ai canh giữ” - ông Nghĩa nghẹn ngào chia sẻ.
Ông kể thêm, đoàn hôm đó có gần 40 người, với 19 nữ. Các anh chị ngày ấy đến hôm nay đã không còn nhiều, người mang trên mình những vết thương, hay chạy đua với tuổi già. Phần lớn tù chính trị ở Côn Đảo đều ngoan cường, giữ vững niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ. Sau năm 1975, họ là những người tiêu biểu cho lối sống thanh bạch, hết lòng hết sức với Đảng, với dân.
Cần có giải pháp thiết thực hơn nữa để làm vơi bớt nỗi đau
Một cựu tù chính trị Côn Đảo khác cũng có mặt trong buổi gặp gỡ này là Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Ánh Tuyết. Bà từng là thành viên đội biệt động phân khu 6 Sài Gòn - Gia Định. Bà bồi hồi nhớ những ngày tháng Tư cách đây 50 năm, tại "địa ngục trần gian", kẻ thù đã đào hố, đặt mìn nhằm chôn sống các tù nhân chính trị.
Trong thời điểm đó, ở đất liền, với tinh thần quyết chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân ta thần tốc tiến công vào sào huyệt của địch ở Sài Gòn, làm cho kẻ thù không kịp trở tay, nhanh chóng thất thủ. Điều này khiến chỉ huy và cai tù đầu sỏ ở Côn Đảo hốt hoảng, vội vã bỏ chạy nên không kịp thực hiện ý định tàn ác.
Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Ánh Tuyết.
Trải qua bao nhiêu lần chết đi sống lại ở “địa ngục trần gian”, khi được tự do, bà còn không ngờ mình được sống, được trở về trong đoàn quân chiến thắng.
"Ngay trong giờ phút đó, tôi cảm thấy lòng mình như lắng lại, nhớ về bao đồng chí, đồng đội, các anh chị em mãi mãi nằm lại Hàng Dương. Từng tấc đất ở Côn Đảo đều có máu xương của các anh chị đã ngã xuống. Trời đất này là của ta, Côn Đảo giờ là của ta. Thời điểm đó, chúng tôi nhớ những ngày phải đấu tranh để giành vài phút được ra khỏi phòng giam để tắm nắng", bà Tuyến bồi hồi nhớ lại.
Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nữ anh hùng vẫn luôn nhớ mãi những thời khắc hào hùng của dân tộc. Những ký ức ấy đã giúp bà sống và cống hiến, hiểu giá trị của độc lập - tự do.
Bày tỏ luôn khắc ghi công ơn trời biển của Đảng, của Bác Hồ và Quân đội đã dạy, nữ anh hùng luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh; tiếp cho bà sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy; dạy cho bà biết sống có lý tưởng, sống cho mọi người dù là nghịch cảnh nào.
"Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, luôn biết ơn các đồng chí, đồng đội và đồng bào đã ngã xuống để mang lại độc lập hòa bình cho đất nước, cho chúng ta có được cuộc sống hôm nay", bà Tuyết nói.
Bày tỏ rất vui mừng trước những quyết sách của Đảng gần đây, bà Tuyết đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục tăng cường giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống đại đoàn kết tạo ra sức mạnh mới, thành tựu vĩ đại hơn nữa trong thời kỳ mới.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước nhưng đến nay vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
"Có những người mẹ, người vợ chờ đợi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa biết được tin tức của chồng con, nhiều gia đình có công với cách mạng nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tôi tha thiết kính mong Đảng, nhà nước tiếp tục quan tâm, có những chủ trương giải pháp thiết thực hơn nữa để làm vơi bớt nỗi đau của những gia đình có công với đất nước", nữ anh hùng trăn trở.
Ngân Anh
Nguyễn Huế
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/lao-thanh-cach-mang-chung-toi-xung-tran-khong-phai-de-thanh-anh-hung-2393460.html