Chuối chần khai vị ngày xuân...

Chuối chần khai vị ngày xuân...
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chuối chần còn có nhiều tên gọi khác như dưa chuối xanh, dưa chuối chát, dưa chuối hột, dưa chuối sứ, nhưng cách gọi “chuối chần” gợi cách làm dễ nhớ và mộc mạc chân quê.
Giải thích lý do vì sao món ăn lại có tên là chuối chần, thì chỉ đơn giản là vì chuối được luộc lên rồi đem cái đĩa chần (đè) lên trên để chuối ra bớt nước chát. Chỉ có vậy rồi cái tên ra đời. Đây được xem là món khai vị đặc trưng của người dân quê tôi, với vị nồng chát của chuối rồi thêm vào vị cay thơm của gừng, làm cho món ăn trở nên đậm chất quê. Tôi nhớ mẹ ngày trước, cứ tết đến là thoăn thoắt bao việc. Mẹ bảo tết là phải có món chuối chát chần trong nhà. Món này ăn kèm với các món chế biến từ thịt thì bớt ngán hay nhắm rượu lai rai khai vị cũng tốt.
Để làm món chuối chần, nguyên liệu chính là trái chuối chát non, nên chọn loại trái khoảng một tháng. Ngoài ra, còn có thêm chanh, ớt, gừng, tỏi và những gia vị khác như đường, muối, giấm (có thể thay chanh). Tuy là để khai vị đơn giản, nhưng để hoàn thành món ăn này tốn khá nhiều thời gian bởi các công đoạn công phu và tỉ mỉ. Trước tiên, chuẩn bị thau nước sạch, vắt vào đó ít chanh rồi cắt bỏ đầu, ngọn của từng trái chuối và để lại phần cuống chuối để trang trí cho đẹp mắt. Sau đó dùng dao gọt sạch vỏ xanh ngoài, cắt chuối thành những lát mỏng, cắt sao cho không làm đứt lìa thân trái chuối, những lát chuối vẫn còn dính lại với nhau, cắt đều tay để khi chần chuối không bị lồi hạt ra ngoài. Cắt xong ngâm chuối vào thau nước chanh cho chuối không bị thâm đen. Sau đó đè chuối trong nồi nước thật sôi khoảng một phút. Mỗi lần như vậy, chỉ cho một ít muối vào. Khi đã vớt ra đem ngâm ngay vào nước đá để cho chuối giòn, đẹp màu và giảm bớt vị chát. Phần chuối sau khi đã ngâm, vớt ra vắt đến kiệt nước hoặc dùng một dụng cụ bếp có sức nặng để ép hết nước ra ngoài, để thật ráo. Tiếp tục pha nước với hỗn hợp các gia vị muối, giấm, đường theo tỷ lệ thích hợp cùng với các gia vị đã giã nhuyễn gồm gừng, tỏi, ớt. Có thể ớt thái lát thêm vài trái để trang trí đẹp khi bày lên dĩa. Bước cuối cùng, xếp từng trái chuối vào một lọ thủy tinh, đổ nước dầm chua ngọt đã pha sẵn vào ngập chuối và để ở nơi thoáng mát. Ngâm từ hai đến ba ngày là chuối ngấm gia vị, có thể ăn được. Món ăn có vị ngọt của đường, vị chua của giấm, vị mặn của muối, hòa quyện với vị cay của ớt và ấm nóng của gừng.
Tết đến, xuân về, trong bữa ăn sum họp con cháu hay có khách đến nhà ai ai cũng được thưởng thức đĩa chuối chần đủ năm vị: chua, cay, chát, mặn, ngọt, để nghe hương sắc xuân rộn rã khắp đất trời.
Tôi nhớ có lần con gái dẫn nhóm bạn là người Hàn Quốc về chơi trong dịp tết. Trong bữa cơm đãi bạn bè được bày biện khá bắt mắt nhưng các cháu sinh viên Hàn Quốc lại rất thích món chuối chần. Con gái tôi giải thích lại cho tôi nghe sau những lời thầm thì và gật đầu ưng ý của bạn bè, rằng cái vị chua chua, cay cay của món này có nét giống món kim chi của xứ Hàn.
Món chuối chần dân dã và ngon miệng đã neo giữ hương vị ngày tết trong những ngày nắng xuân ngập tràn, trong không khí sum vầy đoàn viên của từng gia đình. Ba má bây giờ đã về miền mây trắng, khu vườn nhà tôi chỉ còn vỏn vẹn vài bụi chuối, song năm nào tôi cũng cố gắng tự tay làm vài ba hũ chuối chát chần để khai vị ngày xuân...
Hồ Thu
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/chuoi-chan-khai-vi-ngay-xuan-35188.htm