CGV Việt Nam thu hơn 207 tỷ won (khoảng 159 triệu USD) trong năm ngoái. Ảnh: Phương Lâm.
Theo kết quả kinh doanh công bố mới đây, CJ CGV ghi nhận doanh thu năm 2024 đạt 1.957 tỷ won (tương đương 1,5 tỷ USD), tăng gần 27% so với năm 2023.
Tuy vậy, khoản lỗ sau thuế của chuỗi này lại "phình to" hơn 40%, lên mức 173 tỷ won (khoảng 133 triệu USD). Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc công ty đẩy mạnh vay nợ trong kỳ, khiến chi phí tài chính gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.
Hiện, CJ CGV đang vận hành 545 cụm rạp tại 6 quốc gia với tổng cộng 3.803 phòng chiếu.
Tại Việt Nam, CGV tiếp tục dẫn đầu thị phần với tỷ lệ 45%, dù có sụt giảm nhẹ so với các năm trước. Hiện đơn vị này sở hữu 83 rạp, tương đương 478 phòng chiếu.
Năm vừa qua, thị trường Việt Nam đem về cho CGV 207 tỷ won (khoảng 159 triệu USD), tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hoạt động cũng tăng mạnh 89% lên 26,3 tỷ won (20 triệu USD) nhờ tối ưu chi phí cố định và nhân sự.
Theo lý giải từ CJ CGV, sự thành công của các bộ phim nội địa do hãng đầu tư và phát hành như Mai hay Lật Mặt 7 đã mang lại nguồn thu lớn. Ngoài ra, các bộ phim hoạt hình Nhật Bản như Doraemon và Conan cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu rạp chiếu.
Thời gian tới, CGV Việt Nam dự định đẩy mạnh phát triển các dòng phim nội địa, phim độc lập để tăng sức hấp dẫn với khán giả. Đồng thời, hệ thống cũng đặt mục tiêu mở rộng các phòng chiếu sử dụng công nghệ đặc biệt (SCREEN X, 4DX, ICECON) để tạo khác biệt so với đối thủ.
CGV Việt Nam cũng cho biết sẽ mở rộng mảng kinh doanh đồ ăn nhẹ với các sản phẩm mới.
Việc tận dụng các nền tảng dữ liệu khách hàng cũng được kỳ vọng sẽ tối ưu doanh thu từ hoạt động quảng cáo.
Ngoài ra, CGV đang lên kế hoạch cải tiến chương trình thành viên CJ ONE, mở rộng hệ thống điểm thưởng và ưu đãi. Đồng thời, hãng sẽ đầu tư mạnh vào các chiến dịch marketing và khuyến mại nhằm thu hút nhiều khách hàng đến rạp hơn.
Minh Khánh