Quan chức các nước Iran, Nga, Trung Quốc có cuộc gặp hôm 22-7 để thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran. Cuộc gặp 3 bên tại thủ đô Tehran - Iran này cũng bàn về đe dọa từ Anh, Pháp, Đức về việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran nếu không có tiến triển nào trong cuộc đàm phán hạt nhân trước cuối tháng 8.
Ba ngày sau cuộc gặp trên, đại diện của Iran và Anh, Pháp, Đức dự kiến họp bàn tại TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa các bên kể từ khi lệnh ngừng bắn đạt được sau cuộc xung đột Israel - Iran hồi tháng 6. Mỹ cũng đã tấn công 3 cơ sở hạt nhân lớn tại Iran dịp này. Phát biểu trước thềm cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmaeil Baghaei, cho biết trọng tâm cuộc gặp là chuyện dỡ bỏ trừng phạt và các tranh cãi liên quan đến vấn đề hạt nhân. Ngoài ra, Iran sẽ "tìm kiếm lời giải thích" từ các nước châu Âu vì họ đã không lên án hành động của Israel và Mỹ.
Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức là các bên ký với Iran thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015, theo đó các lệnh trừng phạt đối với Tehran được dỡ bỏ để đổi lấy việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận bắt đầu sụp đổ vào năm 2018 khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt một số lệnh trừng phạt Tehran. Kể từ đó, Iran dần mở rộng hoạt động hạt nhân, bao gồm việc làm giàu uranium lên tới 60%, tiến gần mức 90% dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp các quan chức Liên minh châu Âu ở TP Geneva - Thụy Sĩ hồi cuối tháng 6 Ảnh: AP
Trong lá thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 20-7, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh 3 quốc gia châu Âu nói trên không có "bất kỳ cơ sở pháp lý, chính trị hoặc đạo đức nào" để kích hoạt cơ chế tái trừng phạt. Ông Araghchi cũng cáo buộc Pháp, Đức, Anh đã không thực hiện đầy đủ các cam kết của họ theo thỏa thuận năm 2015.
Cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, theo đài RT, một trong những thách thức hiện giờ là Iran quyết định đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát chương trình hạt nhân của Tehran. Tehran cáo buộc IAEA đã công bố một báo cáo thiếu khách quan và cho rằng Israel đã lợi dụng báo cáo này làm cái cớ để phát động cuộc tấn công kéo dài 12 ngày nhằm vào Iran hồi tháng rồi.
Cuộc xung đột này cũng diễn ra sau khi tiến trình đàm phán hạt nhân Iran - Mỹ rơi vào bế tắc do Washington đòi hỏi Tehran phải từ bỏ hoàn toàn hoạt động làm giàu uranium. Mỹ cho rằng Iran có thể sử dụng năng lực này để chế tạo bom hạt nhân. Đáp lại, Iran khẳng định không có kế hoạch làm thế và nhấn mạnh nhu cầu làm giàu uranium chỉ để phục vụ ngành năng lượng dân sự.
Trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 21-7, Bộ trưởng Araghchi cho biết Tehran hiện chưa sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Washington. Theo ông Araghchi, các cơ sở hạt nhân của Iran đã "bị hư hại nghiêm trọng" nhưng khẳng định Tehran không có ý định từ bỏ hoạt động làm giàu uranium. Phản ứng lại tuyên bố này, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ sẵn sàng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran một lần nữa nếu cần thiết.
HOÀNG PHƯƠNG