Từ nguồn vốn của chương trình MTQG đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở xã Ái Thượng (Bá Thước).
Từ chính sách "trao cần câu"...
Những ngày đầu năm 2025, chúng tôi đến thăm thôn Mé, xã Ái Thượng (Bá Thước) - một vùng quê đang đổi thay từng ngày. Thay vì những ngôi nhà lụp xụp năm xưa, giờ đây là những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp. Tất cả những đổi thay này đều bắt nguồn từ nguồn vốn của chương trình MTQG.
Điển hình như gia đình anh Trương Văn Thoại, trước kia ở trong căn nhà nhỏ, dột nát; đầu năm 2024, anh được hỗ trợ 80 triệu đồng từ Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo” để xây nhà mới. Cộng với số tiền tích góp và sự giúp đỡ của người thân, gia đình anh đã có ngôi nhà khang trang trị giá 420 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ xây nhà, gia đình anh Thoại còn được hỗ trợ vốn xây dựng chuồng trại để nuôi lợn. Vợ chồng anh cũng học thêm nghề, đi làm cho một công ty ở tỉnh Bắc Giang, mang lại nguồn thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng. Những thay đổi tích cực này đã thôi thúc anh Thoại tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của thôn.
Cách nhà anh Thoại không xa, anh Nguyễn Văn Bình - sống độc thân thuộc diện hộ nghèo của thôn, giờ đã có cuộc sống ấm no hơn. “Được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với tiền của anh em giúp đỡ, tôi đã xây dựng được căn nhà nhỏ, có chỗ che nắng, che mưa. Không chỉ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, tôi còn được hỗ trợ xây dựng chuồng nuôi và con giống để phát triển chăn nuôi, từ đó tôi có thêm động lực vươn lên thoát nghèo".
Từ những câu chuyện cá nhân của Thoại và anh Bình cho thấy trong quá trình XDNTM, xã Ái Thượng đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình MTQG để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Ông Hà Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã Ái Thượng, cho biết "Từ một xã miền núi có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chúng tôi đã tranh thủ nguồn lực từ chương trình MTQG để thay đổi diện mạo nông thôn. Đến nay, xã chỉ còn 42 hộ nghèo (chiếm 3,19%) và 63 hộ cận nghèo (chiếm 4,8%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,56 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đang hướng tới mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2030".
Báo cáo của UBND huyện Bá Thước cũng cho thấy, chương trình MTQG đã tạo nên những bước chuyển mình ấn tượng cho huyện Bá Thước trong giai đoạn 2021-2024. Với tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đã phân bổ giai đoạn 2022-2024 là 277 tỷ 219 triệu đồng và vốn sự nghiệp đã phân bổ giai đoạn 2021-2024 là 147 tỷ 684 triệu đồng được giải ngân hiệu quả trên 95%.
Nguồn vốn từ chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn thông qua việc đầu tư 8 công trình hạ tầng thiết yếu, bao gồm 7 công trình giao thông và 1 công trình thủy lợi. Những công trình này không chỉ cải thiện điều kiện sinh hoạt cho gần 40.000 người dân mà còn tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đặc biệt, chương trình đã thành công trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân thông qua việc triển khai trên 90 mô hình giảm nghèo đa dạng, từ nông nghiệp, thủy sản đến chăn nuôi. Các mô hình này đã giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, định hướng sản xuất theo hướng hàng hóa và thích ứng với điều kiện thị trường.
Tranh thủ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để đạt xã nông thôn mới.
Bên cạnh phát triển hạ tầng và sản xuất, chương trình còn tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ xuất khẩu lao động. Với 9 lớp đào tạo nghề cho 221 lao động và 155 người được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài, nhiều hộ gia đình đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo bền vững. Người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Điều đáng quý là đã hình thành được ý thức tự lực, tự cường trong người dân, thể hiện qua việc họ chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để tạo sinh kế bền vững. Qua đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bá Thước đã giảm đều với tốc độ ấn tượng 7,5%/năm, đặc biệt là mức giảm 10,65% trong năm 2024, giúp 5.910 hộ thoát nghèo trong ba năm qua.
... đến những kết quả ấn tượng
Theo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2024, tổng nguồn lực huy động thực hiện các chương trình MTQG đạt khoảng 45.752 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 18.086 tỷ đồng, vốn lồng ghép 4.312 tỷ đồng, vốn tín dụng 17.907 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và hợp tác xã 783 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng và người dân 4.663 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã phân bổ triển khai đồng bộ các chương trình MTQG và đã mang lại những kết quả ấn tượng. Toàn tỉnh có thêm 6 đơn vị cấp huyện, 52 xã và 193 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 94 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26 xã và 467 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 3,52%, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 15,19% xuống còn 11,05%; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Các chương trình MTQG đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến hết năm 2023 đạt 39,61 triệu đồng/người/năm, năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc triển khai các chương trình MTQG đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó, diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đạt được, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 19 đơn vị cấp huyện, 410 xã, 876 thôn/bản miền núi, 101 thôn/bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM; trong đó, có 4 huyện và 165 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 41 xã và 340 thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM, giảm nghèo bền vững.
Ngân Hà