Chuyện bà chúa Kho hiển linh hóa rắn giữ quân lương

Chuyện bà chúa Kho hiển linh hóa rắn giữ quân lương
3 giờ trướcBài gốc
Tranh vẽ bà chúa Kho. Ảnh: chonthieng
Nói đến bà chúa Kho, hay nhắc đến nơi thờ phụng bà, mọi người đều nghĩ ngay đến ngôi đền thờ bà chúa Kho ở Cổ Mễ (Bắc Ninh). Tuy nhiên, ngoài ngôi đền này, vẫn còn một số nơi thờ các nhân vật có hành trạng khác được tôn gọi bà chúa Kho, trong đó có bà chúa Kho ở làng Giảng Võ, Hà Nội.
Bậc anh hùng tài trí, dũng lược có một không hai
Theo thần phả bà tên là Lý Thị Châu Nương, quê ở làng Cổ Pháp, huyện Tiên Du, đạo Bắc Giang (nay thuộc Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), xuất thân trong gia đình võ quan, cha là Lý Quýnh giữ chức Điện hộ binh lương, coi giữ kho tàng ở phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long.
Từ nhỏ Châu Nương đã nổi tiếng hiếu đạo, nết na, đến tuổi đi học được cha mẹ cho đến thụ giáo một thầy đồ họ Ngô ở phường Bích Câu, lúc rảnh rỗi lại được học kiếm cung. Đến năm 16 tuổi, Châu Nương đã trở thành một thiếu nữ nhan sắc tuyệt đẹp, tinh thông sách vở của bách gia chư tử; múa kiếm, bắn tên, cưỡi ngựa đều giỏi.
Châu Nương kết duyên với Trần Đàm thuộc dòng dõi nhà Trần, quê ở Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay thuộc Kiến Xương, Thái Bình) được phong hàm Thái bảo nên thường gọi là Trần Thái bảo, đương giữ chức làm Đốc bộ ở lộ Hoan Châu (Nghệ An ngày nay).
Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông ở ngôi, quân Nguyên Mông lại kéo sang xâm lược, thế giặc rất mạnh; chúng chia làm hai đường, một đạo quân theo đường bộ từ phía bắc đánh xuống, một đạo quân khác theo đường thủy đổ hộ vào đất Chiêm Thành, từ phía Nam đánh ngược lên tạo thành thế gọng kìm.
Tại Hoan Châu, khi quân Nguyên Mông kéo đến, Trần Thái bảo lập tức cùng vợ đốc suất quân dân chống giặc, bản thân Châu Nương có một đội quân riêng gồm những người được nàng chiêu mộ từ trước tại đất Võ Trại quê hương, gọi là quân Thủ túc. Các tướng Nguyên Mông chia đường một mặt tấn công Chiêm Thành, một mặt đánh phá khắp các nơi ở phía nam Đại Việt, thành Hoan Châu bị vây chặt.
Nhận thấy không sớm thì muộn giặc sẽ hạ được thành, Trần Thái bảo bèn bàn với vợ rằng: Bị vây hãm lâu ngày thì đằng nào cũng chết, chi bằng ta giao lại kho thóc quân lương cho phu nhân trông giữ, còn ta sẽ quyết tâm mở cửa thành ra ngoài nghênh chiến.
Châu Nương cho là phải, nàng liền buộc tóc, mặc quần áo giả trai lệnh cho binh sĩ dốc sức giữ thành, còn Trần Thái bảo dẫn quân tấn công mãnh liệt nhằm phá vòng vây nhưng yếu thế đành phải rút về Diễn Châu để củng cố lực lượng. Thay chồng chỉ huy việc giữ thành, Châu Nương đã động viên quân sĩ và dân chúng dốc sức cố thủ khiến giặc mấy lần tập kích đều không sao phá được thành mà còn bị hao binh tổn tướng khá nhiều.
Trần Thái bảo sau khi chiêu mộ thêm quân lại được cứu viện đã tiến về giải vây cho thành Hoan Châu, Châu Nương cũng xuất quân ra đánh, nội công ngoại kích giao chiến một trận lớn, trong trận này hơn 10 tỳ tướng của giặc bị rơi đầu, ta bắt sống vài trăm quân lính, thu 6 thớt voi và khí giới rất nhiều. Quân Nguyên Mông địch không nổi rút chạy về đèo Ngang thuộc châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay).
Vua Trần Nhân Tông hay tin đã ban chiếu khen ngợi vợ chồng Trần Thái bảo, đặc biệt ca ngợi tài trí và sự dũng lược của Châu Nương, trong chiếu có đoạn viết: “Cho dù chí khí mưu lược, thao quyền của đấng nam nhi; dù có hùng tài như Quản Trọng, Hàn Bạch cũng không hơn được. Bậc anh hùng tuổi trẻ trên đời này cũng chỉ có một không hai”, vua còn phong nàng là Khố nương Công chúa Quản trưởng Quốc khố Đại Phu nhân.
Đình Giảng Võ (trái) và gian hậu cung là nơi thờ bài vị Lý Thị Châu Nương cùng long ngai và tượng của bà. Nguồn: kienthuc.
Hiển linh hóa rắn lớn để đuổi giặc
Ngay sau khi bại trận về nước năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên Mông chỉnh đốn quân ngũ, bổ sung lực lượng, đóng tàu chiến, huy động lương thực để trở lại đánh Đại Việt lần thứ ba (cuộc chiến lần này kéo dài khoảng gần 4 tháng, từ cuối tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288).
Cùng với việc ra lệnh cho các vương hầu, tướng lĩnh tích cực chuẩn bị chống giặc, vua Trần đã sai quan Đề sát lộ Hải Đông (nay là Hải Dương) vào trấn nhậm Hoan Châu thay cho Trần Thái bảo rồi triệu vợ chồng ông về Thăng Long ban cho ấp Võ Trại làm đất thang mộc. Trần Thái bảo được phong chức Tiền quân Dực thánh chỉ huy đạo quân bảo vệ nhà vua, còn Châu Nương được nhận nhiệm vụ coi kho tàng ở kinh đô Thăng Long, nắm toàn quyền thu phát binh lương của Quốc khố kiêm cai quản phủ Phụng Thiên.
Khi giặc Nguyên Mông kéo sang, trước thế giặc quá mạnh, triều đình lại rút khỏi kinh đô, Trần Thái bảo được giao một cánh quân tham gia xây thành đắp lũy chặn giặc ở mặt trận phía sông Thao. Tại Thăng Long, Châu Nương ở lại chỉ huy quân lính chuyển kho, bảo vệ của cải, vận chuyển lương thực đi cất giấu, không để rơi vào tay giặc.
Lại nói về Trần Thái bảo, khi phòng tuyến sông Thao bị vỡ, ông dẫn quân chống cự quyết liệt để cản giặc, giúp cho vua Trần cùng triều đình rút lui an toàn. Thế cùng lực mỏng, ông đã tử trận vào ngày 12 tháng 7 âm lịch tại đất Dục Mỹ (nay là làng Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Nghe tin chồng mất, Châu Nương khóc lóc thảm thiết, ngửa mặt lên trời than rằng: Trời sinh ta là gái, nhưng ta nguyện vì dân, vì nước, dù thịt nát xương tan.
Biết giặc đang tiến gần đến Thăng Long với thế không cản được, Châu Nương cho phân tán hết lương thực vũ khí của cải còn lại, sau đó vào kho lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn vào ngày 20 tháng 7 năm đó.
Tượng Lý Thị Châu Nương. Ảnh: Lê Thái Dũng.
Theo thần tích ngọc phả đình Giảng Võ thì lúc đó trong kho có một tiếng nổ to như sấm, thi hài Châu Nương bay về trời, chỉ còn lưu lại một chiếc khăn hồng và đôi hài phượng theo gió cuốn bay về làng Giảng Võ, nơi sinh của nàng.
Quân lính và dân chúng vừa kinh ngạc vừa thương tiếc đã chôn chiếc khăn hồng và hài ngay tại đó, còn quân giặc khi xông vào kho thấy một con rắn lớn phun nọc độc rất dữ tợn lao ra, chúng sợ hãi phải bỏ chạy mà không dám lùng sục, cướp phá gì. Người ta tin rằng linh hồn của bà chúa Kho Châu Nương đã hiển linh hóa thành con rắn lớn để đuổi giặc.
Giặc tan, vua Trần và triều đình về kinh xét công ban thưởng, biết chuyện Châu Nương tử tiết rất thương tiếc sắc phong là “Anh linh hiển ứng khố nương công chúa Chủ khố đại vương phu nhân Thánh mẫu”, dựng đền thờ phụng ngay tại kho, mỗi khi quân lính đến đều phải hành lễ xin phép mới dám mở kho lấy tiền, lương thực.
Triều đình lại cho dân làng Giảng Võ lập đền thờ Châu Nương trên nền nhà cũ ở Võ Trại; ngoài ra còn cho hơn 20 làng ở lộ Diễn Châu (nay là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập đền, miếu thờ để tỏ lòng sùng kính.
Minh Châu - Lê Thái Dũng
Nguồn Znews : https://znews.vn/chuyen-ba-chua-kho-hien-linh-hoa-ran-giu-quan-luong-post1528426.html