Chuyện bắn máy bay Mỹ trên đỉnh Hòn Giồ

Chuyện bắn máy bay Mỹ trên đỉnh Hòn Giồ
9 giờ trướcBài gốc
“Chuyên môn của tôi là đánh giặc”
Anh Chủ tịch Hội cựu chiến binh (CCB) xã Bắc Phong niềm nở nói với chúng tôi: “Chú Bảy Định ít nói và hiền lắm, mặc dù tuổi cao sức yếu, là thương binh hạng 3/4 và bệnh binh hạng 2/3 nhưng mỗi khi Hội cần nói chuyện truyền thống cho thanh niên và học sinh ở đây, không bao giờ chú từ chối…”.
Ông Bảy Định kể chuyện đánh giặc sau những huân, huy chương.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà dưới vườn cây xanh mát, khi được hỏi về những kỷ niệm thời chiến tranh, người CCB già hoạt bát hẳn lên. Ông sôi nổi kể về những năm tháng từ 1964 lên căn cứ CK19, đến khi là Đại đội trưởng chỉ huy đánh địch giải phóng Ninh Thuận ngày 16/4/1975, truy quét Fulro sau ngày giải phóng, rồi làm Bí thư chi bộ xã, cho tới năm 1980 ông về nghỉ chế độ.
Khi hỏi cả cuộc đời binh nghiệp, trận đánh nào nhớ nhất, ông cười: “Từ khi tham gia cách mạng chuyên môn của tôi chỉ đánh giặc. Cả trăm trận làm sao mà nhớ hết được…”. Rồi ông chậm rãi kể về trận đánh không quên mà ông và đồng đội chống cả tiểu đoàn lính Đại Hàn càn trên núi Hòn Giồ năm xưa.
Núi Chúa - chiến khu bất khả xâm phạm
Núi Hòn Giồ cao 509m nằm ở phía Nam quần sơn Núi Chúa, rộng tổng cộng 106.000ha, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Đây là khu rừng khô hạn duy nhất ở Việt Nam và hiếm thấy ở Đông Nam Á. Ngọn núi này có địa thế chiến lược rất quan trọng, đứng trên đỉnh núi có thể quan sát được cả vùng đồng bằng Phan Rang trải dài xuống biển, thấy được quốc lộ 1A, sân bay Thành Sơn...
Núi Chúa là căn cứ địa cách mạng mang mật danh CK19 thuộc huyện Ninh Hải cũ (Nay là huyện Thuận Bắc và Ninh Hải). Sở dĩ có mật danh CK19 vì căn cứ địa được thành lập vào ngày 19/8/1946, tồn tại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến chống đế quốc Mỹ cho tới ngày đất nước thống nhất.
CK19, phía bắc là Vịnh Cam Ranh, đông và nam là các khu dân cư của huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc ở phía tây. CK19 là một trong những nơi đóng quân của Ban chỉ huy quân sự của huyện và tỉnh để tham gia chỉ đạo, thực hiện tác chiến, làm công tác dân vận… Trong chiến tranh, CK19 với địa thế hiểm trở và chiến thuật bố trí phòng thủ hợp lý đã trở thành “mái nhà an toàn” cho các lực lượng kháng chiến.
Đối đầu với trực thăng và lính Đại Hàn
Đầu tháng 4/1969, địch cho 1 tiểu đoàn lính Đại Hàn thuộc Sư đoàn Bạch Mã càn lên Hòn Giồ (các chiến sĩ của ta thường gọi là núi Thống Nhất). Đây là vị trí đóng quân của cơ quan Huyện ủy, Huyện đội, các đội mũi và du kích xã Bắc Trạch.
Sáng sớm, trinh sát từ trên căn cứ Hòn Giồ phát hiện thấy trận địa pháo của địch mới bố trí ở giếng Đá Cầu gần thôn Phương Cựu. Nhiều toán lính Đại Hàn đang bí mật di chuyển áp sát chân núi. Ban chỉ huy Huyện đội do đồng chí Lâm Ngọc Chương - huyện đội trưởng nhận định địch định càn quét căn cứ, nên bố trí lực lượng phục kích gồm các chiến sĩ Đại đội 2, Đại đội 3 nữ và du kích các thôn dàn đội hình di chuyển phục đánh địch ở chân núi Hòn Giồ. Lâm Thế Định khi đó là tiểu đội phó trinh sát thuộc Đại đội 2 làm tổ trưởng chống càn.
Bảy Định choàng khăn dù mang theo 2 quả lựu đạn, khẩu súng AK 4 băng đạn, cùng 2 chiến sĩ mới về Đại đội 3 là Nguyễn Thị Trung và Nguyễn Thị Bút trang bị súng Carbine đi ngược lên đỉnh núi để trinh sát, cảnh giới xem địch có thả lính biệt kích không. Lên tới trảng đất bằng rất rộng trên đỉnh núi thấy vẫn im ắng. Trừ phía bắc, còn 3 phía đều thấy địch, ta và địch đã nổ súng phía dưới núi, pháo địch cũng cấp tập bắn lên căn cứ. Ông phân công hai đồng chí nữ cảnh giới chốt ở hai bên còn mình quan sát phía chính diện.
Khoảng gần 7 giờ phát hiện trên trời có máy bay trinh sát L19 đảo vòng quanh, sau đó có 2 trực thăng bay vòng trên đỉnh núi, bắn rốc két dọn bãi ngay trên láng đất bằng đỉnh núi. Tổ 3 người phải ẩn nấp trong các hang đá. Ông Bảy Định nhận định, chắc chắn địch sẽ đổ quân để đánh ta từ trên xuống, làm sao báo cho quân ta ở bên dưới biết đây?
Vừa ngớt tiếng pháo, tiếng trực thăng đã ầm ầm trên đầu, ông Bảy Định luồn ra khỏi chỗ ẩn nấp, lần đầu tiên trong đời ông thấy chiếc máy bay địch gần như thế. Trên láng trống, 7 chiếc trực thăng đang dàn hàng ngang, hạ độ cao chuẩn bị đổ quân. Núp sau gộp đá ông thấy chiếc máy bay địch chỉ cách chừng 20m, khi cửa máy bay mở ra, một tốp lính Đại Hàn lố nhố chuẩn bị nhảy xuống. Thoáng nghĩ trong đầu, địch mà từ đây đánh xuống thì căn cứ sẽ nguy to. Đánh thôi…
Chiến lợi phẩm của ông Bảy Định là chiếc bi đông Mỹ - kỷ niệm thời chiến tranh.
Không chần chừ ông Bảy Định giương AK lên nhắm ngay cửa máy bay bắn 1 loạt 6 -7 viên. Thấy mấy tên đã ngã gục trên sàn máy bay, ông nhằm phía đuôi máy bay tiếp tục siết cò 1 loạt nữa. Sau loạt AK đanh gọn là một tiếng nổ lớn, chiếc trực thăng bốc cháy và rơi rầm xuống đất kèm theo nhiều tiếng nổ đùng đoàng phát ra từ trong máy bay. Những chiếc trực thăng khác hoảng quá liền vội vàng bốc lên cao.
Bảy Định tiếp tục nhắm chiếc thứ 2 bắn 1 loạt, ông quan sát thấy nó bốc khói, loạng choạng bay cùng những chiếc khác về phía sân bay Thành Sơn. Nhìn chiếc máy bay đang cháy khói bốc lên mù mịt, ông ném 1 trái lựu đạn về phía chiếc máy bay đang cháy. Thấy 1 phi công Mỹ đầu đội mũ lái và 2 lính Đại Hàn đang bò ra phía đất trống, ông gạt nấc phát 1, nhắm điểm xạ hạ luôn cả 3 tên.
Khoảng 8 giờ sáng, địch đưa máy bay trực thăng, máy bay phản lực và khu trục tới ném bom, bắn rốc két nát quanh khu vực nơi máy bay trực thăng bị bắn hạ. Tổ 3 người rút vào một chiếc hang đá kiên cố phía bắc đỉnh Hòn Giồ cách nơi bắn máy bay khoảng 100m.
Đến trưa, thấy bên ngoài khá im ắng, Ông Bảy Định đi trước quan sát, phân công đồng chí Trung đi giữa và Bút bị sức ép của rốc két hơi mệt nên đi sau, tổ 3 người giãn cách bí mật luồn ra khỏi hang để nắm tình hình. Đi một đoạn, bằng linh cảm của người lính trinh sát, ông ra hiệu cho 2 đồng chí phía sau và đi vòng qua gộp đá. Bất ngờ thấy trước mặt mình 1 tốp lính Đại Hàn khoảng chục tên đang quây lại ăn đồ hộp. Không chần chừ ông liền giương AK găm mấy loạt. Đồng chí Trung cũng bắn một loạt carbine. Biết là địch đã đổ quân lên bao vây khu vực này, cả tổ liền quay lại lối cũ, để lại đằng sau tiếng la khóc của lính Đại Hàn. Đến chiều tối, bụng ai cũng đói, chiếc bi đông nước duy nhất mang theo cũng đã cạn, cả tổ 3 người nhắm phía xóm Bằng xuống núi, vừa đi vừa tránh địch để về căn cứ CK 19 ở Núi Chúa.
Ký ức không quên
Giở cho chúng tôi xem một đoạn trong cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thuận Bắc do Đảng ủy, Ban chỉ huy quân sự huyện Thuận Bắc phát hành tháng 8/2017 có ghi lại trận đánh trên núi Hòn Giồ năm ấy. “Kết quả, ta đã diệt và làm bị thương 22 tên địch, bắn rơi 1 máy bay trực thăng và diệt 1 tên phi công Mỹ, bắn bị thương 1 máy bay, thu 2 súng ngắn, 2 súng AR16 và một số đồ dùng cá nhân khác. Có thể nói, đây là trận phối hợp chiến đấu đầu tiên của các đơn vị lực lượng vũ trang Thuận Bắc đạt hiệu quả cao nhất, trong đó có bắn cháy máy bay và diệt giặc lái Mỹ”.
Chúng tôi hỏi sao không thấy sách báo nào nhắc tới tên người đã bắn máy bay năm ấy? Ông Bảy Định chậm rãi kể: “Sau trận đánh đó tôi có về báo cáo và cũng được cấp trên ghi nhận. Chỉ huy đơn vị có nói là: để khích lệ phong trào làm công tác tuyên truyền, bây giờ nhường thành tích ấy cho đội quân tóc dài…”. Im lặng mân mê chiếc áo quân phục gắn đầy huân huy chương các loại, ông cười: “Một thời gian sau có nhận được 1 tấm huy chương gì đó tôi quên rồi, hình như huân chương Quân kỳ quyết thắng thì phải…”.
Trần Thanh Sơn
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chuyen-ban-may-bay-my-tren-dinh-hon-gio-i766285/