Trở lại những chiến trường lịch sử: Bài 4 - Trận 'Đồi thịt băm'

Trở lại những chiến trường lịch sử: Bài 4 - Trận 'Đồi thịt băm'
13 giờ trướcBài gốc
Đường lên di tích lịch sử cách mạng chiến thắng đồi A Biah. Ảnh: THÀNH CHUNG
Từ trận đánh ác liệt
Đỉnh A Biah thuộc địa phận xã Hồng Bắc cao 937 m so với mực nước biển, nằm giữa vùng núi rừng trùng điệp gần biên giới Việt Nam - Lào. Khu vực này cũng có 3 mỏm khác có chiều cao xấp xỉ nhau, tạo thành thế chân vạc. Nếu chiếm lĩnh được nơi đây có thể kiểm soát toàn bộ thung lũng A Lưới với bán kính khoảng 20 km.
Sau khi bị đòn “choáng váng” bởi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân Mỹ điên cuồng càn quét, mở nhiều đợt tấn công khắp địa bàn Thừa Thiên Huế, nhất là vùng A Lưới. Địch chọn A Biah làm điểm tập kết quân nhằm đẩy quân giải phóng ra sát biên giới, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược 559. Khi phát hiện một đơn vị chủ lực quân ta đang đồn trú tại đây, quân đội Mỹ đã quyết định mở cuộc tấn công nhằm kiểm soát cao điểm này.
Quân Mỹ huy động lực lượng tham chiến tương đương 2 sư đoàn. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ đắc lực của quân đội Sài Gòn. Để yểm trợ cho kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh vào A Biah, Mỹ xây dựng 5 căn cứ quân sự ở phía đông đường Hồ Chí Minh và bố trí lực lượng không quân đồn trú ở sân bay Phú Bài, Đã Nẵng sẵn sàng nhận lệnh. Với âm mưu “phá sạch, giết sạch, đốt sạch”, quân Mỹ đã xây dựng 5 tầng hỏa lực. Tầng trên cao là máy bay B52 thả bom từng tọa độ, tầng kế tiếp là máy bay phản lực bổ nhào, tiếp đến là trực thăng vũ trang cơ động săm soi, rồi đến pháo binh mặt đất, tầng cuối cùng là hỏa lực bộ binh với những vũ khí hiện đại.
Trước sức mạnh quân sự của địch, quân và dân ta không hề nao núng. Phán đoán ý đồ của địch, Quân khu Trị Thiên đã điều Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) vào A Lưới ứng phó. Sát cánh cùng Trung đoàn 3 là bộ đội địa phương và du kích các xã của quận 3 miền Tây Thừa Thiên.
Những người lính từng tham gia trận đánh A Biah trở lại chiến trường xưa. Ảnh: Báo Huế ngày nay
Sau nhiều giờ thả bom và bắn phá, trưa 10/5/1969, Mỹ dùng trực thăng đổ bộ binh sĩ lên khu vực A Biah. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng căn hầm, từng mét đất. Quân giải phóng chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, khiến 1.600 tên địch thương vong, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh. Sau hơn 1 tuần căng mình chiến đấu, thấy mục tiêu tiêu diệt nhiều sinh lực địch đã hoàn thành, đêm 18/5, Trung đoàn 3 bắt đầu rút lui, chỉ để lại A Biah một bộ phận nghi binh.
…đến điểm đến hòa bình
Sau trận A Biah, binh lính Mỹ như sa vào cơn ác mộng khi phải trải qua trận đánh ác liệt, kinh hoàng và đẫm máu nhất. Đây cũng là tổn thất lớn nhất của quân Mỹ trước khi rút khỏi miền Nam. Họ hoang mang tột độ vì không thể lý giải với lực lượng không quân, pháo binh vượt trội mà vẫn thất bại ở A Biah. Trước khi bước vào cuộc chiến, quân Mỹ đặt cho trận đánh này với tên mỹ miều là “Tuyết rơi trên đỉnh Apache” nhưng thực tế lại trở thành “Máu rơi trên đỉnh núi”. Còn báo chí Mỹ gọi trận đánh này là Humberger Hill (''Đồi thịt băm'' của lính dù Mỹ).
Dù đã cố tình bưng bít nhưng những tin tức về trận ''Đồi thịt băm'' với con số thương vong khủng khiếp của quân Mỹ vẫn tràn lan trên các mặt báo và len lỏi tới vào tận chính trường, khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ. Chiến thắng A Biah không chỉ đánh dấu sự thất bại trong những toan tính chiến lược của quân Mỹ mà còn là sự thất bại chính trong lòng nước Mỹ. Sau trận đánh này, Mỹ phải rốt ráo thay đổi chiến lược, từ “Chiến tranh cục bộ” chuyển sang “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Đối với quân ta, trận ''Đồi thịt băm'' được ví là thắng lợi kép, không chỉ giúp ta giành lại thế chủ động trên chiến trường mà còn củng cố thêm niềm tin sắt đá, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Màu xanh đã trở lại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, nhưng người dân ở đây vẫn luôn nhớ về trận đánh đồi A Biah lịch sử. Ảnh: THÀNH CHUNG
A Biah hôm nay đã khác xưa. Nhiều dấu tích chiến tranh đã bị bào mòn, thay vào đó là màu xanh của núi rừng, của sự sống. Đường vào di dích lịch sử cách mạng A Biah bạt ngàn những đồi trồng vải thiều mang bóng dáng xứ Đông - Hải Dương. Người dân ở đây nói đó là cây thoát nghèo, đem lại cuộc sống no đủ. Ở xã Hồng Bắc, nơi có địa danh "Đồi thịt băm" chấn động trời Tây có tới 95% là đồng bào Pa Cô. Dù giáp biên giới, xa trung tâm nhưng Hồng Bắc được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, A Biah là điểm du lịch nổi tiếng của huyện A Lưới. Nơi đây hun đúc truyền thống cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Không những vậy, nhiều người nước ngoài cũng cất công tìm đến A Biah. Họ muốn tận mắt thấy được nơi từng là nỗi kinh hoàng của lính Mỹ. Thậm chí, không ít lính Mỹ từng tham chiến tại A Biah cũng trở lại chốn xưa, không phải để khắc sâu thù hận mà là thấm thía giá trị của hòa bình.
Ông Hồ Văn Nga (sinh năm 1974) ở thôn Lê Ninh, xã Hồng Bắc cho biết: “Khi tôi sinh ra, trận đánh lịch sử A Biah đã được 6 năm. Thế nhưng từ lớp thế hệ này đến lớp thế hệ khác, không ai là không biết đến chiến thắng này. Người con quê hương ai cũng hãnh diện, tự hào về địa danh A Biah tuy khốc liệt mà hào hùng”.
Kỳ sau: Mở "cánh cửa" tiến vào Sài Gòn từ hướng đông
NGUYỄN MƠ
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/tro-lai-nhung-chien-truong-lich-su-bai-4-tran-doi-thit-bam-410004.html