Chuyến bay dài 20 phút và vụ không tặc đầu tiên trên thế giới - Kỳ 1

Chuyến bay dài 20 phút và vụ không tặc đầu tiên trên thế giới - Kỳ 1
13 giờ trướcBài gốc
Kỳ 1: Cướp trên bầu trời
Ảnh minh họa máy bay Miss Macao. Ảnh: Adobe Stock
Ngày nay, di chuyển giữa Hong Kong và Macao của Trung Quốc chỉ mất một giờ đi phà cao tốc. Nhưng từ năm 1948 đến 1961, khi cả hai nơi vẫn còn là thuộc địa của các cường quốc châu Âu, du khách giàu có có thể chọn đi máy bay cho tiện.
Theo kênh CNN, Miss Macao là chiếc thủy phi cơ Consolidated Model 28 Catalina đưa hành khách từ Macao do Bồ Đào Nha kiểm soát đến Hong Kong do Anh kiểm soát, chỉ mất 20 phút bay. Những chuyến bay ngắn này được gọi là “chuyến bay điếu thuốc”, vì thời gian chuyến đi tương đương thời gian hút một điếu thuốc. Hành khách có thể hút vì lúc đó chưa có quy định cấm hút thuốc trên máy bay.
Thời đó, theo ông Dan Porat, Giáo sư lịch sử tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, lên máy bay giống như đi xe buýt. Nếu có tiền, hành khách có thể mua vé ngay lúc lên máy bay mà không cần đặt trước.
Công ty Vận tải Hàng không Macao, một chi nhánh đã giải thể của hãng hàng không Cathay Pacific ở Hong Kong, vận hành hai chiếc thủy phi cơ Catalina này. Vì Macao khi đó chưa có sân bay hay đất trống làm đường băng, nên máy bay cất cánh từ vùng nước ven bờ.
Hình thức di chuyển bằng máy bay trở nên phổ biến với giới doanh nhân đi lại giữa hai thành phố Hong Kong và Macau, đặc biệt là những người mang theo vàng, vì Macao khi ấy là thị trường vàng tự do duy nhất ở Đông Á.
Ngày 16/7/1948, Miss Macao rời Macao với 23 hành khách, bao gồm 12 người Trung Quốc, số còn lại đến từ Mỹ, Anh, Nga và Bồ Đào Nha. Trong số này có một thương gia giàu có chuyên kinh doanh vàng, một tay đua ngựa nổi tiếng, một giám đốc điều hành của Coca-Cola và ông bầu một gánh xiếc nổi tiếng.
Miss Macao có hai phi công trong buồng lái: cơ trưởng người Mỹ Dale Cramer và cơ phó người Australia Ken McDuff. Cả hai đều từng phục vụ trong quân đội. Còn có một tiếp viên hàng không tên Delca da Costa, người Bồ Đào Nha sống ở Macao và cũng là bạn gái của McDuff.
Phi công Dale Cramer (trái) cùng phi hành đoàn đứng trên máy bay Catalina. Ảnh: Jack Birns/The LIFE Picture Collection/Shutterstock
Một bài viết trên tạp chí Time số tháng 8/1948 mô tả vụ việc bằng ngôn ngữ sinh động, viết rằng bốn tên không tặc không có ý định tới Hong Kong và chúng “nhìn đám hành khách giàu có với ánh mắt thèm khát”.
Khi Miss Macao không đến sân bay Kai Tak của Hong Kong theo lịch trình, giới chức tại Hong Kong lập tức phát cảnh báo, cảnh sát địa phương bắt đầu tìm kiếm trên vùng biển giữa hai thành phố.
Một ngư dân cho biết ông thấy máy bay bay về hướng Bắc rồi đột ngột chuyển hướng và lao thẳng xuống biển. Người này đã cứu được một người sống sót và đưa về bệnh viện Macao điều trị.
Đó là một nông dân trồng lúa 24 tuổi người Trung Quốc tên Wong Yu. Theo nhiều bản tin khi đó, một chân của Wong bị gãy và anh ta mặc áo phao đã kịp lấy lúc máy bay rơi.
Dù Wong khai rằng mình chỉ là hành khách bình thường và máy bay đã nổ giữa không trung, nhưng các chi tiết bất nhất trong lời khai. Anh ta nói máy bay nổ và anh ta bất tỉnh, rồi khai rằng đang tìm việc tại Macao, gặp một người tên Zhao (một trong các tên cướp) mua vé cho anh ta và hứa tìm việc ở Hong Kong. Khi cảnh sát hỏi sẽ làm gì ở đâu tại Hong Kong, Wong chỉ trả lời: “Tôi không biết”.
Lời khai liên quan máy bay bị nghi ngờ, vì Miss Macao là máy bay có thiết kế tốt, kể cả khi mất cả hai động cơ thì vẫn có thể hạ cánh xuống biển.
Ngoài ra, anh ta còn có hành vi đáng ngờ, như cố bỏ trốn khỏi bệnh viện. Từ đó, giới chức và báo chí tin vào giả thuyết khác: Miss Macao đã rơi xuống biển trong khi bị “cướp trên không”, một sự kiện mà tờ China Mail (nhật báo tiếng Anh tại Hong Kong) gọi là “chưa từng có trong lịch sử hàng không”.
Sau này, trong bản thú nhận, Wong nói rằng anh ta cùng ba đồng bọn đã bán hết tài sản để mua vé lên máy bay, vì tin rằng số vàng mà chúng sẽ cướp của thương gia giàu có đi cùng sẽ đáng giá.
Theo nhà sử học Luis Andrade de Sa trong cuốn sách “Hàng không tại Macao: Một trăm năm phiêu lưu”, ngay sau khi máy bay cất cánh khỏi Macao, bốn tên cướp hành động nhanh chóng, trong đó một tên xông vào buồng lái yêu cầu phi công giao quyền điều khiển.
Theo nhiều tư liệu lịch sử, tên cầm đầu Chiu Tok từng học lái máy bay tại Manila và định điều khiển máy bay sau khi khống chế được tổ lái.
Nhưng hắn không ngờ rằng Cramer không chịu buông tay khỏi cần điều khiển và hành khách còn chống cự. Một hành khách đã giằng co với tên cướp, khiến súng cướp cò. McDuff dùng thanh sắt đánh vào Chiu Tok. Nhóm cướp đã bắn chết cả hai phi công, thi thể của Cramer đổ gục lên cần lái, khiến máy bay lao xuống biển.
Câu chuyện Wong kể về vụ nổ giữa không trung nhanh chóng bị bác bỏ khi người ta vớt được các mảnh vỡ máy bay với nhiều lỗ đạn.
Quá trình khai thác sự thật từ Wong không dễ dàng. Anh ta bị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, nên cảnh sát ngại dùng hình thức thẩm vấn mạnh. Thay vào đó, họ dùng biện pháp đặc biệt: cài người vào bệnh viện.
Cảnh sát cài máy ghi âm trong phòng bệnh. Sau đó, họ cho một cảnh sát giả vờ là nạn nhân tai nạn nằm cùng phòng, nhưng không thu được thông tin gì.
Họ thay đổi chiến thuật. Một người đàn ông giả vờ vào thăm bệnh nhân, cầm theo một tờ báo Bồ Đào Nha và nói rằng ba tên cướp còn lại đã bị bắt, khai Wong là kẻ bắn chết phi công. Wong hoảng sợ và phủ nhận, rồi khai toàn bộ sự thật, từ kế hoạch đến vai trò thật sự của mình. Anh ta khai rằng kế hoạch là cướp máy bay, chuyển hướng đến một thị trấn ở tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc, rồi cướp tài sản hành khách và tổ bay, sau đó bắt giữ đòi tiền chuộc. Không ai nghĩ là sẽ có người chết. Cảnh sát lập tức bắt giữ Wong.
Kỳ cuối: Sự trỗi dậy của ‘không tặc’
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/chuyen-bay-dai-20-phut-va-vu-khong-tac-dau-tien-tren-the-gioi-ky-1-20250715215513339.htm