Chuyện bốn cô gái chia hai ngả chiến trường

Chuyện bốn cô gái chia hai ngả chiến trường
9 giờ trướcBài gốc
Thử thách đầu tiên
Nhớ ngày chúng tôi rời Ban Tuyên huấn R, rất đông anh em cùng khóa IV ra tiễn: Lê Quang Trang, Phạm Quang Nghị, Cao Xuân Phách, Dương Trọng Dật, Trần Đức Cường, Nguyễn Văn Lịch, Phùng Đức Thắng. Người đến cuối cùng là nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Ngay chiều hôm đó anh Tuyền viết xong bài hát Ngày mai em về hướng bom rơi tặng nhà thơ Hà Phương (bút danh của Đỗ Thị Thanh).
Chúng tôi xác định chiến trường Sài Gòn - Gia Định là nơi ác liệt, đang thử thách 8 anh em. Tôi trải qua thử thách lớn lao đầu tiên trên đất Y4. Đó là vào đầu tháng 10.1971, hội nghị Bình Giã diễn ra tại nơi khu ủy đóng nhờ trên đất bạn Campuchia. Có tin mật báo: Mỹ dự định rải thảm B.52 cả khu ủy và các ban ngành của khu Sài Gòn - Gia Định. Tôi vừa bị mổ không xê dịch được thì nhà thơ Khuynh Diệp vào đòi xách ba lô cho tôi lội bộ cùng về Ban Tổ chức. Tôi không thể đi được đành cảm ơn anh. Chỉ thị đưa xuống: cả sóc Mít và bệnh viện di dời cách nơi ở 5 km. Ở lại bệnh viện chăm sóc tôi là y tá Tuyết (Việt kiều Campuchia) và dược sĩ Nguyễn Thị Dung - con gái phố Bà Triệu, Hà Nội vào Y4 phục vụ chiến trường.
Các cơ quan di tản, nhân dân cả vùng cũng đi, chỉ còn lại ba chúng tôi và một bác bảo vệ nam nhà gần đó. Quanh chúng tôi là vùng đất trống vắng đến rợn người. Suốt đêm cả ba cùng khắc khoải chờ B.52 đến trong sự vắng vẻ, đến nỗi có cảm giác nghe được cả tiếng chao nghiêng của chiếc lá rơi, của gió, của đất trời... Khi bình minh lên, ba chị em ôm nhau cười khóc trong bộ trang phục đẹp nhất của mình bởi chúng tôi bảo nhau nếu có hy sinh thì cũng phải đẹp. Bác bảo vệ già mang cho chúng tôi bánh trôi nước do chính tay ông làm trong lúc đợi B.52. Còn tôi như cất được mặc cảm đè nặng suốt đêm qua bởi tôi cứ nghĩ vì mình mà hai bạn nữ phải ở lại, nếu họ có làm sao tôi sẽ ân hận cả đời.
Nhật ký vào trận
Tôi ở Ban Tổ chức được phụ trách mảng các nhà tù, gặp gỡ các nữ tù nhân về Ban Tổ chức sinh hoạt. Dù ở trên đất bạn nhưng hàng quý chúng tôi vẫn nhận báo cáo từ các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa.
Ngày 26.1.1973, tôi trở về Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Định rồi đi thẳng xuống Củ Chi. Tháng 5.1973, giặc càn lên cứ Văn nghệ, chúng tôi xuống hầm bí mật. Tháng 6.1973, bị sư đoàn lính dù tập kích, cả cơ quan xuống địa đạo chống càn. Sau đó chúng tôi được lệnh rút về phía Bình Dương. Toàn cơ quan tập trung in được tập thơ Gió vào trận bão, hai tập văn xuôi Mầm xanh, Niềm vui của đất. Tôi góp bài bút ký Tiếng gà và cánh diều. Ba tập thơ văn trên vẽ được một phần diện mạo của Củ Chi sau Hiệp định Paris, ta có cả một vùng bắc Củ Chi giải phóng (những tập sách đã in sau này được đưa vào Sài Gòn phục vụ cho ngày “Ký giả ăn mày” 10.10.1974).
Ngày 15.8.1973, Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức hội nghị sáng tác văn học Sài Gòn - Gia Định với nhiều văn nghệ sĩ từ R xuống như Viễn Phương (nhà thơ), Hồ Bông (âm nhạc), Hoàng Thanh (điện ảnh), Ba Phiến (hội họa), Tư Lợi (văn công)... Đến tháng 10.1973, Tiểu ban cùng Thành Đoàn mở trại sáng tác trẻ tại Bình Dương. Lớp có 30 học viên, trong đó có những tên tuổi quen thuộc như Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Lê Duy Hạnh... Sau khi lớp học kết thúc, anh em lại trở về Sài Gòn hoạt động.
Các đại biểu dự Hội nghị sáng tác văn học khu Sài Gòn - Gia Định năm 1973 tại căn cứ Tà Leng. Trong ảnh: nhà văn Trần Thị Thắng và nhà thơ Hà Phương bên cạnh ông Mai Chí Thọ (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định). Ảnh tư liệu
Tháng 6.1974, chúng tôi có lệnh lên R làm báo Văn nghệ Giải phóng. Tôi, Hà Phương và anh Phùng Đức Thắng trở thành phóng viên tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (về miền Trung Nam bộ) từ ngày 19.4.1975. Một đêm xuôi dòng Vàm Cỏ, sáng 20.4.1975 đi bộ qua đồng Chó Ngáp, chiều đến Ba Thu. Trước đó, chiều 19.4.1975, giặc càn lớn vào Ba Thu, nhiều gia đình mất vợ con, cha mẹ. Có gia đình mất cả 5 con, hai vợ chồng làm 5 hình nộm rơm. Gió chiều xoay quanh hình nộm kêu kít kít. Người chồng hỏi tôi: “Bao giờ có hòa bình?”. Chúng tôi chỉ biết đứng lặng yên nhìn anh chị.
Mặc dù có giấy của anh Hoài Vũ gửi cho chú Chín Cần (Bí thư Phân khu III) nhưng chúng tôi thống nhất với nhau không trình giấy ra vì sợ bị giữ lại trên đoàn bộ Phân khu III. Cả ba đều muốn xuống một đơn vị đang chiến đấu. Sau 5 ngày đi qua các lõm giải phóng bằng đường bộ, xuồng chèo, xuồng máy, chúng tôi đã tới được tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh vào Chi khu Mỹ Tho. Đơn vị đóng trên kênh Nguyễn Văn Tiếp cách thành phố Mỹ Tho 20 km. Đêm 29.4.1975, ghé mắt xuống kênh, xuồng chở quân ta đi như lá tre. Nửa đêm súng, pháo, B.40 bắn ì ùng. Gần sáng, thuyền chở thương binh về lặng lẽ. Chi khu Mỹ Tho theo tinh thần “tử thủ” của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam đã cho quân, xe tăng chặn trên lộ IV, chắn đường tiến quân của ta. Cuộc tấn công không thành công.
Đến trưa 30.4.1975 bà con trong ấp chiến lược bung thuyền trên sông, cắm cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận, phát lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh tại Sài Gòn. Trên đầu, trực thăng đọc lời dụ hàng, cả tiểu đoàn lặng lẽ ém quân. Đến đêm 30.4, ba phóng viên theo tiểu đoàn với tư thế tiến mạnh như chẻ tre. Tám giờ tối, chúng tôi nghe tin tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư đoàn 7 quân Sài Gòn tự sát. Lúc này quân giải phóng tiến đến đâu, quân đội Sài Gòn giơ cờ hàng đến đó.
Hòa bình
Việc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng đã tác động đến toàn thể quân lực vùng IV (miền Tây Nam bộ). Chúng tôi chạy thẳng tới chi khu, cờ trắng đã treo trước cổng, quân giải phóng tràn ngập. Trước cổng là những bãi quân trang quân dụng, súng ống vứt thành đống. Nhiều bếp ăn mọc ra bên đường: các mẹ, các chị nấu cơm cho lính Cộng hòa ăn. Cạnh đó là hàng chục xe đò chờ đưa hàng binh về quê trên trục lộ IV.
Vậy là hòa bình đã đến.
Chúng tôi được theo đoàn quân vào giải phóng Mỹ Tho đêm 30.4.1975. Mùng 1.5.1975, chúng tôi nghe tin chuẩn tướng Nguyễn Văn Hưng, Phó Tư lệnh Quân đoàn IV tự sát. Trước đó một tháng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn mời tướng Nguyễn Khoa Nam lên Sài Gòn đề nghị lập vành đai Alpha để tử thủ, quyết chặn quân giải phóng tràn về miền Tây. Vậy mà đêm 25 rạng 26.4.1975, ông Thiệu đã chạy ra nước ngoài. Đó là đòn mạnh đánh vào tướng lĩnh Sài Gòn tại miền Tây.
Ngày 4.5.1975 ba anh em vừa từ Mỹ Tho về đến 190 Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) thì Phạm Văn Dũng, trưởng bảo vệ chạy ra nói hào hứng: “Cơ quan ban đầu đóng ở Phan Đình Phùng, nơi đó chật chội. Chiều hôm qua 3.5.1975 em cùng nhà thơ Hoài Vũ, Lê Quang Trang, Trần Đức Cường tìm tới nơi này. Các anh hạ lệnh cho em phá khóa, lập tức quân quản đến. Mọi người giới thiệu nhà thơ Hoài Vũ trong đoàn đi tìm trụ sở cho báo Văn nghệ Giải phóng. Chỉ nghe tên nhà thơ, anh em quân quản đã cho người của báo Văn nghệ vào tiếp quản khu nhà 7 tầng để làm trụ sở và nơi ở cho anh em”.
Vậy là tôi và Hà Phương có chỗ ở đàng hoàng, chúng tôi đã có nơi làm việc nghiêm chỉnh chính là nhờ những người lính tiên phong trên.
Gặp lại
Đến nay, nhà thơ Hà Phương đã in ba tập thơ: Thành phố này là nỗi nhớ của tôi (1991), Giao thừa (1995), Tình yêu mạnh như nước (2024). Chị đã từng trải qua các vị trí công tác ở Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Định; phóng viên báo Văn nghệ Giải phóng, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thành phố; Tổng biên tập tạp chí Nghề báo. Hà Phương vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977.
Nhà thơ Hoài Vũ, thủ trưởng của chúng tôi, đã viết: “Hà Phương - bông hồng trên đất thép. Ban chúng tôi đang thiếu người trầm trọng thì được viện trợ một số nhà văn trẻ từ miền Bắc vào, trong đó có Trần Thị Thắng, Hà Phương. Như đang hạn hán gặp cơn mưa rào, nhiệm vụ của chúng tôi được triển khai thuận lợi”. Sau 30.4.1975, làm xong mấy số báo Văn nghệ Giải phóng ở Sài Gòn, tôi và Hà Phương đi xe đò ra Đà Nẵng gặp Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến. Điều đầu tiên khi gặp lại là chúng tôi ôm nhau khóc, cười mừng vui, hạnh phúc vì cả bốn chị em cùng sống sót trở về. Hồng cho tôi xem vết thương trên cánh tay do mảnh pháo. Là phóng viên tạp chí Quân giải phóng Trung Trung bộ, chị thường xuyên theo các đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.
Tôi từng nghe một đại đội trưởng kể: “Ngày ấy tiểu đoàn em bị bao vây tứ phía. Tiểu đoàn trưởng quyết định đổi tên đơn vị thành tiểu đoàn Bắc Hà (bút danh của Vũ Thị Hồng). Sau đó cả tiểu đoàn xốc dậy, phá vòng vây, quay lại vây địch. Ở chiến trường đôi khi có những điều kỳ diệu như vậy chị ạ”.
Từ trái: Vũ Thị Hồng, Bùi Thị Chiến (hàng đứng), Hà Phương, Trần Thị Thắng (hàng ngồi) - chụp tại Sài Gòn tháng 7.1975. Ảnh tư liệu
Vũ Thị Hồng là cây bút sáng giá: năm 1983 chị cho ra mắt tập Xóm biển, năm 1984 tập truyện ngắn Tiếng rừng được trao giải B của Bộ Lâm nghiệp; năm 1990 tập truyện ngắn Có một thời yêu gây xôn xao trong bạn đọc. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, năm 1991 chị được Bộ Nội vụ trao giải A cho tác phẩm Trở lại là em, sau đó là giải thưởng văn học 5 năm (1990 - 1995) do Bộ Quốc phòng trao. Chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 và vẫn tiếp tục sáng tác đến hôm nay. Vũ Thị Hồng là nhà văn viết về người lính rất tinh tế qua những trang văn đẹp. Chị kết duyên với nhà văn quân đội Chu Lai. Tuyển tập Truyện ngắn Chu Lai - Vũ Thị Hồng cho chúng ta thấy hai phong cách viết văn khác nhau, nhưng đều mô tả về người lính tinh tế và sâu sắc.
Khi chúng tôi ôm Bùi Thị Chiến, người chị cứ lệch sang một bên. Lúc sau tôi mới hiểu chị bị gãy chân trong một lần đột ấp. Vốn là phóng viên của tạp chí Văn nghệ Giải phóng 1972 (Ban Tuyên huấn khu V), một lần đi công tác về Phù Mỹ chị bị ngã gãy chân (cái chân ấy vốn đã yếu từ bé). Ở trạm xá chữa chạy bằng hai nẹp tre kẹp vào, khi giặc càn lên, Bùi Thị Chiến được người dân che chở.
Mẹ chị nghe con gái bị thương đã gánh gạo lên nhà vợ chồng anh Mận ở ấp Tân Thành, xã Phù Mỹ trao cho người đã cưu mang con mình. Người mẹ sống ở thị xã Quy Nhơn phải sau 18 năm mới được gặp lại con gái (chị Chiến là học sinh miền Nam được ra Bắc học tập sau Hiệp định Genève 1954, khi ấy chị 7 tuổi).
Trong chuyến đi thực tế trên, Bùi Thị Chiến đã viết truyện ngắn Người vùng sâu lấy nguyên mẫu nhân vật chính là đội trưởng đội du kích xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn mà chị đã gặp trong hội nghị thi đua điển hình cấp quân khu. Trong truyện có chi tiết người vợ của anh bị địch trả thù bằng cách tiêm thuốc để không thể có con khiến người đọc cứ day dứt. Ngoài ra, truyện ngắn Dừa không lá cũng là một tác phẩm tiêu biểu của Bùi Thị Chiến được sáng tác nhân dịp chị đi công tác ở vùng Quy Thiện (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Nhìn những thân dừa trơ trụi vì trúng bom, pháo, chị đã xúc cảm viết thành một truyện ngắn rất hay.
Bùi Thị Chiến có tính rất lạ: là nhà văn chuyên viết truyện ngắn nhưng viết được truyện nào chị lại bỏ ngăn kéo cất đi. Năm 2002, tôi tặng chị chi phí in tập truyện ngắn Lời tự thú ngọt ngào. Tôi nghĩ người cầm bút như chị nên có tác phẩm in ra để gửi đến bạn đọc. Song, từ đó đến nay chị cũng chỉ có duy nhất tập truyện ngắn trên. Cái chân bị gãy khiến chị đi lại khó khăn. Đáng nể là dù đã gần 80 tuổi, chị vẫn cho dập xương chân để xếp lại, nay đi đứng đỡ hơn xưa...
*
Trong cuộc đời cầm bút của mình, với 4 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 6 tập thơ (2 trường ca), 3 tập chân dung văn học, tôi luôn lấy cảm hứng từ thực tế, từ lịch sử của dân tộc để viết. Năm 2012, tôi được nhận Giải thưởng Văn học sông Mekong (tiểu thuyết Tháng không ngày viết về bác sĩ nữ tham gia chiến tranh từ 1970 - 1975).
Cảm ơn đất nước đã cho tôi hương mật cuộc đời để viết nên những trang văn của riêng mình.
Cảm ơn cuộc đời đã cho chúng tôi đi vào cuộc chiến tranh thực sự nhưng cả bốn chị em vẫn bình yên trở về...
Trần Thị Thắng
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/chuyen-bon-co-gai-chia-hai-nga-chien-truong-47584.html