Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Washington Post, Tướng Oleksandr Syrskyi cho rằng, đây là một quyết định "phi thường" được đưa ra giữa bối cảnh Ukraine hứng chịu làn sóng chỉ trích vì liên tục phải phòng thủ và rút lui.
“Chúng tôi bị chỉ trích dữ dội vì chỉ biết lùi bước. Tôi buộc phải hành động, làm điều gì đó có thể gọi là phi thường,” ông Syrskyi nói.
Chiến dịch tiến công vào Kursk nằm sâu trong lãnh thổ phía tây của Nga được lên kế hoạch một cách bí mật. Mục tiêu chính của chiến dịch này là buộc Moscow phải rút bớt quân khỏi tiền tuyến và chuyển sang thế phòng thủ ngay trong nội địa – một động thái mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, cho thấy sự mong manh của tuyến hậu cần Nga.
Tướng Oleksandr Syrskyi. Ảnh: RBC-Ukraine
Theo ông Syrskyi, vào thời điểm cao trào, lực lượng Ukraine đã kiểm soát được khoảng 500 dặm vuông tại khu vực Kursk – một bước đi táo tợn khiến cả Nga và các đồng minh phương Tây bất ngờ. Mặc dù sau đó Nga đã tổ chức phản công và tái chiếm phần lớn diện tích, tác động của chiến dịch vẫn vô cùng rõ nét.
Tướng Syrskyi nhận định, chiến dịch Kursk đã tạo hiệu ứng tâm lý lớn, không chỉ đối với quân đội mà cả với người dân Ukraine, khi đó đang mất dần niềm tin vào khả năng phản công hiệu quả của Kiev.
Tổng Tư lệnh Ukraine cho biết, ít nhất 80.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong giai đoạn giao tranh tại Kursk. Trong khi từ chối công bố con số thương vong bên phía Ukraine, ông Syrskyi khẳng định mức tổn thất này “thấp hơn đáng kể so với đối phương”.
Dù vậy, cục diện hiện tại vẫn rất phức tạp. Ông Syrskyi cho biết Nga đang dồn lực lượng quy mô lớn về khu vực Donetsk ở phía Đông và lần đầu tiên có dấu hiệu tìm cách đột phá vào tỉnh Dnipropetrovsk, vốn được xem là tuyến phòng thủ chiến lược của Ukraine ở miền Trung.
Một chi tiết đáng chú ý được ông Syrskyi tiết lộ là trong vòng một năm qua, khoảng một phần ba số bom dẫn đường mà Nga sử dụng đã không nhằm vào lãnh thổ Ukraine, mà được thả xuống vùng biên giới Kursk. Điều này phản ánh sự đảo chiều của thế trận, khi chính Nga buộc phải bảo vệ phần hậu phương từng được coi là bất khả xâm phạm.
Cũng tại Kursk, lần đầu tiên các đơn vị truyền thông ghi nhận sự hiện diện của các lực lượng Triều Tiên. Theo ước tính của Tướng Syrskyi, khoảng 20.000 binh sĩ Triều Tiên đã hiện diện trong khu vực này, dù ông lưu ý rằng cho đến nay, họ chưa trực tiếp tham chiến trên lãnh thổ Ukraine.
Trước đó, đài CNN đưa tin rằng Triều Tiên đang lên kế hoạch tăng gấp ba quân số hỗ trợ Nga, dự kiến triển khai thêm 25.000 - 30.000 binh sĩ trong thời gian tới. Các đánh giá tình báo phương Tây cho rằng lực lượng này có thể tới Nga trong vòng vài tháng tới.
Moscow đã chính thức thừa nhận sự tham gia của quân nhân Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng cũng xác nhận điều này. Tình báo Hàn Quốc từng cảnh báo rằng Triều Tiên đang chuẩn bị một nhóm binh sĩ mới để triển khai tới Nga –một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này không còn giới hạn ở vũ khí và đạn dược, mà đang dần chuyển sang giai đoạn can thiệp trực tiếp bằng nhân lực.
Với Kiev, Việc Ukraine đột kích vào lãnh thổ Nga là lời khẳng định rằng cuộc chiến không còn bó hẹp trong giới tuyến cố định. Chiến trường đang biến đổi theo hướng bất đối xứng và các cuộc đụng độ quân sự không còn là câu chuyện của riêng Kiev và Moscow.
Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo RBC-Ukraine, RT