Chuyện chưa kể về hành trình Nam tiến gần 2.000km của 62 chiến mã kỵ binh

Chuyện chưa kể về hành trình Nam tiến gần 2.000km của 62 chiến mã kỵ binh
2 giờ trướcBài gốc
Vượt gần 2.000km trong 3 ngày 2 đêm
5h sáng 25/3, 127 cán bộ, chiến sĩ và 62 ngựa nghiệp vụ lên đường di chuyển từ Thái Nguyên vào TPHCM, vượt qua quãng đường gần 2.000km trong 3 ngày 2 đêm bằng đường bộ.
Đến nay đã hơn 1 tháng, đơn vị chiến sĩ kỵ binh của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động - K02, Bộ Công an) ổn định chỗ ăn ở, tập luyện tại Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (TP Thủ Đức, TPHCM) để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào ngày 30/4.
Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó đoàn trưởng Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh là người chỉ huy đoàn diễu binh của đơn vị cảnh sát cơ động kỵ binh năm nay
Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó đoàn trưởng Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh chia sẻ, từ trước đến nay, đoàn đã di chuyển tới nhiều địa phương nhưng có lẽ cuộc hành quân này là một trong những lần di chuyển đặc biệt nhất và cũng nhiều thử thách nhất.
Bởi lẽ, trên quãng đường gần 2.000km trong 3 ngày 2 đêm ấy, đoàn phải đi qua nhiều địa phương với điều kiện thời tiết khác nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của ngựa nếu không có sự theo dõi và chăm sóc sát sao nhất của các cán bộ, chiến sĩ chăn nuôi, thú y.
Sau khi nhận được nhiệm vụ tham gia vào đội diễu binh ngày 30/4 - một sự kiện trọng đại của đất nước, Ban chỉ huy Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn kế hoạch, phương án di chuyển, chăm sóc và huấn luyện ngựa trong thời gian hơn 1 tháng ở TPHCM.
Về công tác di chuyển, một kế hoạch rất chi tiết được đưa ra, gồm các đầu việc: phân công ai làm việc gì, chuẩn bị lương thảo ra sao trên đường đi, chọn điểm dừng nghỉ ở đâu, thời gian nghỉ trưa bao nhiêu phút, kiểm tra ngựa như thế nào… “Tất cả đều chuẩn chỉ đến từng centimet” - Thượng tá Lê Sỹ Hà nói.
Theo kế hoạch, trên đường hành quân, đoàn sẽ phối hợp với công an các địa phương cũng như các đơn vị thuộc K02 để sắp xếp việc ăn, ngủ, di chuyển cho người và ngựa sao cho an toàn và đảm bảo sức khỏe nhất.
Các chiến sĩ tập luyện tại Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (TP Thủ Đức, TPHCM)
Tổng thể, đoàn đã huy động 21 chiếc xe lên đường, trong đó có 8 xe chở ngựa, 1 xe chở lương thảo, 1 xe chở dụng cụ phục vụ công tác thú y…
Hằng ngày, khi đến giờ nghỉ ăn trưa, ngựa vẫn ở nguyên trên xe. Xe được đỗ ở chỗ râm mát và mở hết các cửa để ngựa có không gian thoáng đãng. Lúc này, các cán bộ chăn nuôi sẽ cho ngựa ăn tại xe. Cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm tra tình hình sức khỏe của từng con, xem con nào có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, say xe…, sẽ có phương án hỗ trợ kịp thời ngay.
Cuối ngày, đoàn dừng chân ở một đơn vị của lực lượng Cảnh sát Cơ động địa phương để cả đoàn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho cuộc hành quân ngày hôm sau. Việc dừng chân ở đâu cũng nằm trong kế hoạch của đoàn, bởi phải chọn một đơn vị có không gian nuôi nhốt ngựa phù hợp.
Tại đây, ngựa sẽ được thả ra để vận động tự do, tránh bị căng thẳng sau quãng đường di chuyển xa phải ở trong không gian hẹp. Lúc này, ngựa sẽ có một bữa ăn đầy đủ hơn gồm cỏ khô, cám và đá liếm - một loại lương thực để bổ sung khoáng chất.
Toàn bộ số lương thực này được đoàn mang theo. Khi vào tới TPHCM, lương thực được nhà cung cấp mang tới tận nơi để đảm bảo ngựa được ăn cỏ tươi mỗi ngày.
Tại điểm nghỉ qua đêm, các chiến sĩ huấn luyện tắm rửa, vệ sinh, chải lông cho ngựa sạch sẽ, thoải mái nhất, giống như đang ở “nhà”.
Tổng thể, đoàn đã huy động 21 xe, trong đó có 8 xe chở ngựa, đi từ Thái Nguyên vào TPHCM trong 3 ngày 2 đêm
Các chiến sĩ là người vui, buồn đầu tiên trước sức khỏe của “người bạn chiến đấu”
Tất cả 62 ngựa nghiệp vụ đã được vận chuyển an toàn tới Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 đóng tại Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức, TPHCM) ngày 27/3. Đây cũng là đơn vị đủ điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho đoàn 127 cán bộ, chiến sĩ cũng như đủ không gian chuồng trại cho ngựa ăn, nghỉ, huấn luyện.
“Thời điểm bắt đầu di chuyển, miền Bắc đang là cuối mùa lạnh, trong khi miền Nam đang cuối mùa khô, thời tiết tương đối nắng nóng. Sự thay đổi thời tiết này là yếu tố đáng lo nhất với sức khỏe của ngựa.
Căn cứ vào kết quả khảo sát ban đầu, chúng tôi đã bố trí chuồng trại nuôi nhốt sao cho phải tạo nên một ‘tiểu vùng khí hậu’ phù hợp để ngựa thích nghi một cách từ từ với thời tiết mới” - Thượng tá Hà nói về việc lựa chọn và chuẩn bị địa điểm cho đoàn kỵ binh.
Sau cuộc hành quân này, một số ngựa có dấu hiệu mệt mỏi, ốm trong những ngày đầu tiên. Nhưng được sự theo dõi sát sao và chăm sóc kịp thời, đến thời điểm này, toàn bộ số ngựa vẫn trong trạng thái khỏe mạnh, thích nghi tốt với khí hậu miền Nam, sẵn sàng cho ngày đại lễ.
Chuồng trại nuôi nhốt được bố trí sao cho tạo nên một ‘tiểu vùng khí hậu’ phù hợp để ngựa thích nghi một cách từ từ với thời tiết mới
Trước một sự kiện lớn của đất nước và được người dân mong chờ, các chiến sĩ trẻ vừa tự hào vừa có một chút lo lắng - không những cho sức khỏe của bản thân mà còn cho cả chú ngựa mà mình được giao huấn luyện.
Việc theo dõi sức khỏe của ngựa không chỉ là nhiệm vụ của các cán bộ thú y mà còn là nhiệm vụ của chính các chiến sĩ hằng ngày, những người gần gũi với ngựa và hiểu ngựa nhất. Hơn ai hết, các chiến sĩ là người vui, buồn đầu tiên trước sức khỏe của “người bạn chiến đấu”.
“Các cán bộ, chiến sĩ đang quyết tâm rất cao và rất mong chờ đến ngày đại lễ để chúng tôi được báo cáo với quốc dân, đồng bào về quá trình tập luyện của đoàn kỵ binh suốt thời gian qua” - Thượng tá Lê Sỹ Hà chia sẻ.
Các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh đang rất mong chờ đến ngày đại lễ để được báo cáo với quốc dân, đồng bào về quá trình tập luyện của đoàn kỵ binh suốt thời gian qua
Nguyễn Thảo
Thạch Thảo
Phước Sáng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-chua-ke-ve-hanh-trinh-nam-tien-gan-2-000-km-cua-62-chien-ma-ky-binh-2395064.html