Chuyến đi này bao gồm các điểm dừng tại Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với trọng tâm là ký kết các thỏa thuận đầu tư lớn. Từ những gì đã được Nhà Trắng và giới chức Trung Đông tiết lộ, có thể thấy ông Donald Trump đang đặt cược lớn vào một “tái thiết mô hình can thiệp Mỹ” - với trọng tâm không chỉ là Israel, mà còn hướng vào các đồng minh vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar và UAE. Theo nguồn tin từ hãng AP, Riyadh và Washington đang tiến gần tới việc ký kết một gói đầu tư trị giá ít nhất 600 tỷ USD, trải dài trên các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ, dầu khí, quốc phòng và đổi mới sáng tạo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: Tân Hoa Xã
Số tiền này có thể được nâng lên 1.000 tỷ USD trong vòng bốn năm nếu các điều kiện chính trị và an ninh khu vực diễn biến thuận lợi. Về bản chất, thỏa thuận này phản ánh một xu hướng “mượn ảnh hưởng chính trị để mua lại đầu tư kinh tế”, điều đã từng xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump nhưng chưa được triển khai đến tận cùng. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại do các cuộc khủng hoảng ngân sách và lãi suất cao kéo dài, Tổng thống Mỹ cần một cú hích từ bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và không đâu khác, chính Trung Đông với lượng vốn tích lũy từ dầu mỏ và tiềm năng tái thiết là nơi phù hợp nhất. Mặt khác, Saudi Arabia, đặc biệt là Thái tử Mohammed bin Salman, cũng đang trong quá trình chuyển đổi sâu rộng thông qua chương trình “Tầm nhìn 2030”, đòi hỏi dòng chảy công nghệ và sự bảo đảm từ các đối tác phương Tây. Việc bắt tay trở lại với chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ giúp Riyadh “mở rộng không gian chiến lược” trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng và châu Âu đang ngày càng dè dặt với chính quyền của Thái tử vì các vấn đề nhân quyền. Chính vì thế, chuyến thăm lần này sẽ không đơn thuần là một nghi thức chính trị. Nó là bàn đàm phán quyền lực, là sân chơi của những con số hàng trăm tỷ USD, và là phép thử lớn về khả năng “làm ăn” giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống trong thế giới Arab.
Một điểm nhấn quan trọng khác trong chuyến đi là chiến lược đối phó với Iran, quốc gia mà Tổng thống Donald Trump luôn coi là “mối đe dọa hàng đầu” ở Trung Đông. Trước khi lên đường, ông đã tuyên bố khởi động lại chiến dịch “áp lực tối đa”, đồng thời để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp với Tehran thông qua Oman. Đây là động thái không quá xa lạ nếu nhìn lại cách ông Donald Trump từng tiếp cận Triều Tiên, nhưng lần này, mục tiêu là buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân mà không cần thông qua một thỏa thuận đa phương kiểu thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Với việc quay lại mô hình đàm phán song phương, một phong cách quen thuộc của ông Donadl Trump, chính quyền Mỹ hy vọng sẽ tách Iran ra khỏi các tổ chức khu vực như Liên minh Hồi giáo, qua đó cô lập ảnh hưởng của Tehran đối với các lực lượng vũ trang ủy nhiệm như Hezbollah hay Houthi. Tuy nhiên, sự thành công của chiến lược này vẫn là dấu hỏi lớn, nhất là khi Nga và Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Trung Đông và tỏ rõ thiện chí hợp tác với Tehran trên nhiều mặt trận, từ dầu mỏ tới quốc phòng. Như chuyên gia an ninh Trung Đông, bà Randa Slim thuộc Viện Trung Đông (Washington D.C.) nhận định: “Chiến dịch áp lực tối đa có thể gây tổn thương kinh tế cho Iran, nhưng chưa chắc đã tạo ra thay đổi hành vi nếu thiếu một lộ trình ngoại giao thực chất và khả thi”.
Có lẽ phần gây tranh cãi nhất trong chương trình nghị sự của ông Donald Trump là đề xuất Mỹ “quản trị” Dải Gaza và tiến hành tái định cư người Palestine. Theo một số nguồn tin được Reuters xác nhận, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vạch ra kế hoạch di dời phần lớn dân số Gaza sang các khu vực lân cận tại Ai Cập hoặc Jordan, đồng thời biến vùng đất này thành một “vành đai kinh tế, du lịch” giống như bờ biển Riviera của châu Âu. Đề xuất này, được truyền thông Mỹ mô tả là “kế hoạch Gaza Riviera”, đã lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền, giới học giả và cả các đồng minh châu Âu của Mỹ. Họ cho rằng đây là mô hình “di cư cưỡng bức trá hình”, đi ngược lại nguyên tắc về quyền tự quyết của người Palestine và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới trong khu vực. Ông Daniel Levy, cựu đàm phán viên của tiến trình Oslo và hiện là Chủ tịch Dự án Mỹ - Trung Đông (MEP), cho rằng: “Đề xuất này không khác gì xóa sổ dân cư bằng cách tài chính hóa sự di cư. Nó là hình mẫu cho một chính sách diệt trừ dân số dưới lớp vỏ tái thiết”. Cũng chính vì lý do đó, các quốc gia vùng Vịnh, dù có quan hệ thân thiện với Mỹ, cũng tỏ ra dè dặt. Saudi Arabia và UAE chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào ủng hộ kế hoạch, trong khi Ai Cập từ chối bình luận, được cho là do lo ngại tác động nội bộ nếu nhận thêm hàng triệu người tị nạn từ Gaza.
Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump cũng đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, vốn được khởi động qua các Thỏa thuận Abraham trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Trong nhiệm kỳ hai, ông Trump mong muốn đưa Saudi Arabia - quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong khối Sunni - vào vòng xoáy hòa giải với Tel Aviv. Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết của Riyadh là Israel phải chấp nhận một lộ trình hướng tới việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập - điều mà chính phủ cực hữu của ông Netanyahu hiện nay hoàn toàn bác bỏ. Do đó, khả năng đạt được một đột phá trong vấn đề này trong khuôn khổ chuyến thăm là rất thấp, nếu không muốn nói là bế tắc. Dẫu vậy, không thể phủ nhận nguyên thủ của Mỹ đang tận dụng tối đa mọi “đòn bẩy” ngoại giao sẵn có để biến Trung Đông thành nơi định hình lại dấu ấn chính sách đối ngoại của mình. Dù thành công hay thất bại, các sáng kiến do ông đưa ra chắc chắn sẽ tạo ra tác động lớn đến cán cân quyền lực trong khu vực trong nhiều năm tới.
Có thể nói, chuyến công du Trung Đông sắp tới của Tổng thống Donald Trump mang trong mình sự kết hợp của những yếu tố cũ - như chính sách “nước Mỹ trước tiên”, ngoại giao kinh tế và đối đầu với Iran - cùng với những tham vọng mới như việc tái kiến tạo Gaza hay xây dựng “vòng kiềng” các đồng minh Arab thân Mỹ. Tuy nhiên, giữa một Trung Đông đang chuyển động nhanh, nơi các thế lực cũ như Nga - Trung đang gia tăng ảnh hưởng, và các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia đều theo đuổi chiến lược độc lập, việc “vẽ lại bàn cờ địa chính trị” theo cách của ông Donald Trump sẽ không dễ dàng. Chuyến đi có thể mở ra những cơ hội kinh tế khổng lồ cho Mỹ và đối tác vùng Vịnh, nhưng cũng đồng thời đặt ra những rủi ro chính trị đáng kể nếu các đề xuất gây tranh cãi bị cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ. Với ông Donald Trump, đây không chỉ là một chuyến thăm. Nó là một ván cờ lớn mà mỗi nước đi đều có thể định hình lại cả ván cờ Trung Đông trong thập niên tới.
Khổng Hà