Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tỉ phú Elon Musk tại một sự kiện ở Washington. Ảnh: Kyodo/TTXVN
“ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM TUYỆT VỜI ĐỂ MUA SẮM!!!” - Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội tuần trước, đưa ra một mẹo đầu tư dường như nhắm đến giới đầu tư hơn là những người dân bình thường đang hoang mang nhìn quỹ hưu trí 401(k) của mình sụt giảm.
Howard Lutnick, Bộ trưởng Thương mại, nói rằng mẹ vợ ông sẽ không lo lắng nếu không nhận được khoản An sinh Xã hội hằng tháng. Elon Musk, người đang cắt giảm nhân sự của Cơ quan An sinh Xã hội, gọi hệ thống này là một “trò lừa Ponzi”. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định rằng người dân Mỹ “không quan tâm đến biến động hằng ngày” của các khoản tiết kiệm hưu trí.
Còn nếu các hãng xe tăng giá vì thuế quan của ông Trump? - “Tôi chẳng quan tâm” – Tổng thống nói với nhà báo Kristen Welker của đài NBC.
Theo tờ New York Times, đảng Dân chủ cho rằng những phát ngôn trên cho thấy ông Trump và bạn bè tỷ phú trong chính quyền của ông không hiểu gì về cuộc sống của người dân bình thường, và đây chính là hậu quả của việc để giới siêu giàu điều hành nền kinh tế.
Đảng Cộng hòa phản bác rằng việc trích dẫn những câu nói này là thiếu khách quan, và rằng trong dài hạn, chính sách của họ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người – dù có thể gây đau đớn trước mắt.
Giới tâm lý học thì cho rằng sự giàu có tột bậc thực sự làm thay đổi con người và cái nhìn của họ về những người có hoàn cảnh kém hơn.
Dù ai đúng, có thể nói rằng hầu như không ai cho rằng những phát ngôn này mang lại lợi ích chính trị cho Tổng thống Trump, hay có tác dụng trấn an người dân Mỹ.
Theo Forbes, tính đến ngày 8/4, tổng tài sản của ông Trump là 4,2 tỷ USD – giảm 500 triệu USD so với ngày 2/4, khi ông công bố thuế quan. Tài sản của Elon Musk – người giàu nhất thế giới – được Forbes ước tính là 364 tỷ USD vào ngày 17/4, còn của Lutnick là 3 tỷ USD. Bessent – từng là nhà đầu tư hàng đầu cho tỷ phú George Soros – đã kê khai tài sản trên 700 triệu USD trong hồ sơ năm nay, nhưng được cho là sở hữu nhiều hơn thế.
Elon Musk, người gọi An sinh Xã hội là một “trò lừa Ponzi” và đang cắt giảm mạnh cơ quan quản lý chương trình này, hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ước tính khoảng 364 tỷ USD. Ảnh: PAP/TTXVN
Phe đối lập đã nhanh chóng phản công. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, nói ông Trump và các cộng sự đang sống trong một “bong bóng tỷ phú”. Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders chỉ trích Lutnick trên mạng xã hội: “Có thể mẹ vợ ông không phàn nàn nếu không nhận được tiền An sinh Xã hội, nhưng hàng chục triệu người già cả đang chật vật sinh tồn thì sẽ rất khổ sở. Ông vô cảm đến mức nào mà không nhận ra điều đó?”
Theo các chuyên gia thăm dò, phát ngôn như ông Lutnick là vô cảm.
“Nếu ai đó nói họ lo lắng về tình hình tài chính, thì hãy tin họ”, Frank Luntz – một chuyên gia thăm dò lâu năm – nói về nỗi sợ lạm phát và thị trường rớt giá do thuế quan của ông Trump. Ông cho rằng tổng thống đã từng hiểu tâm lý cử tri khi vận động tranh cử năm 2024 và cam kết hạ giá hàng hóa, nhưng giờ dường như ông đã quên.
“Nếu ông biết họ khổ sở vào tháng 10 (năm 2024), thì sao lại phớt lờ điều đó vào tháng 4?” - ông Luntz hỏi.
Tâm lý của người giàu
Paul K. Piff, Phó giáo sư khoa học tâm lý tại Đại học California, Irvine, người đã nghiên cứu tâm lý người giàu gần 20 năm, cho biết: Càng giàu, con người càng mất đi lòng đồng cảm và trắc ẩn với người khác. Dù nhấn mạnh vẫn có ngoại lệ và không nói cụ thể về các tỷ phú trong chính quyền Trump, nhưng ông Pif tin rằng sự giàu có làm thay đổi nhân cách.
“Người giàu có nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn”, ông nói. Tiền bạc, theo ông, “mua cho bạn khoảng cách với người khác, và đồng thời khiến bạn tập trung nhiều hơn vào bản thân. Không khó để thấy rằng bạn sẽ mất đi sự thấu hiểu với hàng triệu người khác.”
Một nhà tâm lý học khác nhận định: “Giới siêu giàu cầm quyền không thể hình dung người dân khổ sở ra sao vì họ chẳng thực sự nhìn thấy họ. Về mặt tiến hóa, chúng ta vốn không được lập trình để cảm thấy gần gũi với tất cả mọi người. Càng gắn bó với ‘nhóm giàu’ thì ta càng dễ xa cách những người còn lại”.
Steven Pinker, nhà tâm lý học ở Harvard, thì cho rằng các phát ngôn của giới tỷ phú không hẳn là vì họ giàu có. “Nguyên nhân gần hơn có thể là sự bất hòa nhận thức” - ông nói – tức trạng thái tâm lý khi hành động và niềm tin không khớp với nhau.
Trong khi đó, Kush Desai, người phát ngôn Nhà Trắng, đã đáp lại các chỉ trích về phát ngôn của ông Trump liên quan đến thị trường chứng khoán và giá cả tăng cao rằng: “Mối quan tâm duy nhất dẫn dắt quyết sách của Tổng thống Trump là lợi ích của người dân Mỹ – như việc giải quyết tình trạng khẩn cấp do thâm hụt thương mại kéo dài”.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các quan chức Nhà Trắng cũng lưu ý rằng ông Trump cam kết không cắt giảm quỹ An sinh Xã hội.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã giảm kể từ khi ông nhậm chức. Một khảo sát của Quinnipiac hồi đầu tháng 4 cho thấy 53% người được hỏi không tán thành Tổng thống, 41% ủng hộ – giảm đáng kể so với khảo sát đầu nhiệm kỳ, khi 43% không tán thành và 46% ủng hộ.
Dù mức sụt giảm này tương tự các tổng thống tiền nhiệm như Joe Biden, Barack Obama hay Bill Clinton ở thời điểm tương đương, nhưng ông Trump đặc biệt mất điểm trong nhóm cử tri độc lập. Theo khảo sát mới nhất, 58% cử tri độc lập không ủng hộ ông, chỉ 36% ủng hộ, so với mức 46% và 41% hồi tháng 1.
Chưa rõ chính xác tác động của khủng hoảng thuế quan và thị trường chứng khoán đến mức độ tín nhiệm của ông Trump, nhưng nhà thăm dò dư luận của Đảng Dân chủ, Celinda Lake, cho biết các khảo sát hiện tại cho thấy đa số cử tri đánh giá tiêu cực về cách ông Trump điều hành nền kinh tế – trong khi đây từng là thế mạnh của ông trước người tiền nhiệm Biden trong cuộc bầu cử 2024.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)