Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), để GDP tăng trưởng cao và ổn định, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
TS. Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính).
Mặc dù phải đối mặt với khó khăn từ bên ngoài, nhất là chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư... 4 tháng đầu năm tiếp tục đà khởi sắc, thưa bà?
Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; tỷ giá ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước đạt 48% dự toán và tăng 26,3% nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành kịp thời và tập trung triển khai ngay từ đầu năm các chính sách tài khóa, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, hoạt động xuất, nhập khẩu, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới bị xáo trộn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ gần đây, nhưng 4 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn duy trì được đà xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch đạt trên 140 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024, xuất siêu 3,79 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 4 tháng đầu năm đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất của 4 tháng đầu năm kể từ năm 2020. Nhiều tập đoàn đa quốc gia tích cực đầu tư, đưa vào hoạt động các nhà máy quy mô lớn, như dự án Samsung Electronics mở rộng, dự án LG Display & LG Innotek mở rộng, dự án Intel mở rộng, dự án của LEGO Group, dự án Amkor Technology mở rộng… Điều đó cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển, giá trị nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng khá như cà phê, hạt tiêu, cao su, thủy sản... Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng ước tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 10% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% và được cải thiện qua từng tháng. Du lịch là điểm sáng, thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất của 4 tháng đầu năm trong nhiều năm qua, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thưa bà, với kết quả tích cực này, Chính phủ quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay và 2 con số ở những năm tiếp theo?
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ chín, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có 9 hội nghị với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tăng trưởng kinh tế 8% là mục tiêu rất cao, rất khó, nhưng Chính phủ và các bộ, ngành đã phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025, tiếp tục có các giải pháp đột phá để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Nhưng muốn tăng trưởng bền vững, bên cạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025, phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế là con đường tất yếu để đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi lạc hậu, chậm phát triển và trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.
Bà có thể lý giải rõ hơn, vì sao chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế là con đường tất yếu thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển?
Trong kinh tế học, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động và chuyển đổi của các ngành, các hoạt động, các loại hình kinh tế phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tương ứng với điều kiện kinh tế - xã hội trong các giai đoạn khác nhau. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nhóm ngành phát triển mạnh hơn, tỷ trọng tăng lên; ngược lại, những nhóm ngành kém phát triển hơn, tỷ trọng giảm xuống.
Lý thuyết của Karl Marx (năm 1909) đã đưa ra các phạm trù về cơ cấu ngành kinh tế và hợp lý. Theo Karl Marx, cơ cấu ngành kinh tế hợp lý là cơ cấu có khả năng tạo ra quá trình tái sản xuất mở rộng. Cơ cấu ngành kinh tế hợp lý phải đáp ứng các điều kiện như phù hợp với các quy luật khách quan, phù hợp với xu thế kinh tế, chính trị khu vực và thế giới; phản ánh khả năng khai thác, sử dụng các nguồn lực kinh tế trong nước.
Như vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình diễn ra thường xuyên và là động lực quan trọng để định hình sự phát triển của mỗi quốc gia.
Trên thực tế thì sao, thưa bà?
Ở các nước thu nhập cao, nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, lao động có trình độ cao, cơ sở hạ tầng đầy đủ và hiện đại. Đây là những quốc gia dẫn đầu trong các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới và đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm nước thu nhập cao có quy mô nền kinh tế lớn và tăng trưởng khá ổn định; cơ cấu kinh tế hiện đại, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP, thường chiếm từ 65% trở lên; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22-27%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng rất thấp (1-2%).
Điển hình về cơ cấu kinh tế của các quốc gia thuộc nhóm thu nhập cao với các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt như sau: Hoa Kỳ là 81,3%; 17,7% và 1%. Singapore là 72%; 22% và 0,6%. Nhật Bản là 71%; 27% và 1%. Khu vực châu Âu là 66%; 22% và 2%.
Ở các nước có thu nhập trung bình, tính đến năm 2023, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 8,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,6%; khu vực dịch vụ chiếm 53,6%.
Còn ở các nước thu nhập thấp, chưa phát triển, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, thường chiếm 24-34%; cao hơn khu vực công nghiệp và xây dựng (21-30%). Trong khi đó, khu vực dịch vụ chiếm 33-43% trong cơ cấu nền kinh tế.
Số liệu trên cho thấy, muốn đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP, tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường tất yếu để thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Thưa bà, tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam thế nào?
Sau gần 40 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế nước ta liên tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu như năm 1986, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 36,76% trong GDP, thì hiện tại chỉ chiếm 11,86%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng từ chiếm tỷ trọng 24,74% đã vươn lên 37,64%. Còn khu vực dịch vụ tăng từ 29,18% lên 42,36%.
Kể từ năm 2011 trở lại đây, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhưng so sánh với tiêu chí cơ cấu kinh tế của các nhóm thu nhập ở trên, thì Việt Nam mới vượt qua mức thu nhập thấp, chưa đạt mức thu nhập trung bình, khi khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn đóng góp cao (11,86%), khu vực dịch vụ đóng góp chưa tương xứng (42,36%), trong khi ở các nước thu nhập trung bình, tỷ lệ này tương ứng là 8,8% và 53,6%.
So với các nước trong khu vực, nếu xét theo tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP, thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện chỉ tương đương với cơ cấu kinh tế của Thái Lan năm 2011 (11,59%), Malaysia năm 1996 (11,68%), Trung Quốc năm 2005 (11,64%), Hàn Quốc năm 1984 (11,87%)... Vì vậy, cùng với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, để GDP tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo, thì chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế cần phải được ưu tiên, tập trung đẩy mạnh.
Mạnh Bôn