Tìm hiểu tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, thời gian qua, cơ cấu giống đã được chuyển đổi mạnh, không còn tập trung nhiều vào những giống lúa lai có tiềm năng cho năng suất cao nhưng giá trị thấp. Vụ xuân 2025, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Hưng Đông (Hưng Công, Bình Lục) phấn đấu gieo cấy gần 160 ha lúa. Cơ cấu giống có sự thay đổi căn bản, lúa thuần chất lượng chiếm trên 90% diện tích, bỏ hẳn lúa lai và có tới 60% diện tích được quy hoạch gọn vùng cấy một số giống lúa thuần chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản được liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ông Trần Mạnh Dân, Giám đốc HTXDVNN Hưng Đông cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu giống tại địa phương được thực hiện mạnh trong khoảng 5 năm gần đây. Những giống lúa thuần chất lượng được lựa chọn đều có khả năng cho năng suất cao và dễ tiêu thụ. Tính chung, giá trị sản xuất lúa thuần chất lượng tại địa phương tăng trên 20% so với lúa lai trước đây trên cùng diện tích.
Với vùng trọng điểm lúa Bình Lục, nhiều địa phương cũng có xu hướng chuyển đổi cơ cấu, tăng tỷ lệ gieo cấy lúa thuần chất lượng trong vụ xuân. Toàn huyện hiện có tổng diện tích gieo cấy vụ xuân 7.600 ha, riêng lúa thuần chất lượng được xây dựng cơ cấu chiếm trên 50% diện tích. Nhiều địa phương đã đưa lúa thuần chất lượng thành hướng sản xuất chủ lực (chiếm 60 – 70% diện tích) đem lại giá trị, thu nhập cao hơn. Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Bình Lục, từ diện tích sản xuất hiện có, sản lượng thóc mỗi vụ tại huyện đạt hơn 50 nghìn tấn. Lương thực phục vụ đời sống người dân được bảo đảm, một phần thóc trở thành hàng hóa. Do vậy, cơ cấu giống của mùa vụ được chuyển đổi sang hướng lúa thuần chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng.
Giống lúa thuần chất lượng Thiên ưu 8 được Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương cung ứng ra thị trường.
Không chỉ ở Bình Lục, tại các địa phương khác trong tỉnh cơ cấu giống lúa trong sản xuất vụ xuân cũng đang được đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ lệ gieo cấy lúa thuần chất lượng hàng hóa. Vụ lúa xuân 2025, huyện Kim Bảng xây dựng cơ cấu giống lúa lai còn dưới 30%, tăng tỷ lệ lúa thuần chất lượng lên hơn 52%. Trước đây, tỷ lệ lúa lai của huyện Thanh Liêm lên đến trên 70%, hiện nay giảm xuống còn 30% (thấp nhất trong nhiều năm trở lại), thay vào đó, huyện nâng tỷ lệ cấy lúa thuần chất lượng lên đến 53%. Đặc biệt, nhiều địa phương trong huyện bố trí cơ cấu giống vụ xuân với tỷ lệ lúa thuần chất lượng và lúa thuần năng suất cao lên đến trên 80%. Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm đánh giá: Các giống lúa hiện nay đều có năng suất cao đáp ứng tốt về sản lượng. Việc chuyển đổi sang sản xuất lúa thuần chất lượng là yêu cầu tất yếu để nâng cao giá trị. Trong xây dựng kế hoạch sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện Thanh Liêm đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương tăng tỷ lệ lúa thuần chất lượng và bố trí quy hoạch gọn vùng tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất.
Vụ xuân 2025, ngành NN & PTNT đã xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu giống hợp lý theo hướng nâng cao chất lượng; trong đó, lúa thuần chất lượng phấn đấu đạt tỷ lệ hơn 52%, lúa thuần năng suất cao 16%, lúa lai chỉ chiếm gần 32%. Chuyển đổi cơ cấu giống lúa trong vụ xuân bằng các giống lúa thuần chất lượng giúp nâng cao hiệu quả canh tác. Thêm nữa chi phí tiền mua giống bình quân ở mức 25 – 30 nghìn đồng/kg, bằng 40 – 50% giống lúa lai và các giống lúa thuần chất lượng được sản xuất nội địa, chủ động được nguồn cung, ổn định về giá bán. Trên địa bàn tỉnh đang có một số doanh nghiệp sản xuất các loại giống lúa thuần chất lượng nguyên chủng, xác nhận với tổng diện tích lên đến hàng trăm ha, như: Bắc thơm số 7, PM2, DT 37… Trong quy trình chăm bón lúa thuần (cả lúa chất lượng) chi phí thấp hơn về phân bón, chỉ bằng 70 – 80% lúa lai. Các giống lúa thuần chất lượng trong bộ giống của tỉnh có độ thuần, thích nghi với điều kiện đồng đất, chống chịu sâu, bệnh tốt. Năng suất các giống lúa thuần hiện nay khá cao, trung bình đạt 200 kg/sào, một số giống đạt 250 kg/sào (tương đương lúa lai). Đặc biệt lúa thuần chất lượng dễ tiêu thụ hơn trên thị trường so với lúa lai, giá bán tăng từ 20 – 30% so với lúa lai. Như giống lúa thuần chất lượng Bắc thơm số 7, giá bán luôn duy trì ở mức bình quân khoảng 9000 đồng/kg, cao hơn 2 – 3 nghìn đồng so với lúa lai nhị ưu 838… Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Các địa phương đang thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu giống theo định hướng của tỉnh. Dự báo trong cả năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu tỷ lệ lúa thuần chất lượng chiếm 55% diện tích gieo cấy theo kế hoạch đề ra. Mở rộng diện tích lúa thuần chất lượng trong vụ xuân giúp nâng cao giá trị sản xuất và lợi nhuận trên đồng ruộng trong điều kiện năng suất cơ bản đã đạt trần.
Mạnh Hùng