Với làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ và tình hình hội nhập kinh tế toàn cầu, việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được xem là “bước nhảy chiến lược” quyết định chất lượng minh bạch và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Bối cảnh và thực trạng việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính ở Việt Nam
“Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi IFRS không chỉ là đáp ứng yêu cầu báo cáo, mà còn nâng tầm năng lực quản trị, thu hút dòng vốn quốc tế”, bà Đặng Thị Hải Quyên, Trưởng phòng cấp cao dịch vụ Kiểm toán và đảm bảo Forvis Mazars Việt Nam, nhấn mạnh tại diễn đàn IFRS & Digital Transformation Forum 2025.
Từ năm 2022 đến nay, lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam vẫn duy trì ở chế độ tự nguyện và thực tế cho thấy chỉ một bộ phận doanh nghiệp lớn, có đủ nguồn lực mới dám tiên phong.
Bà Quyên cho biết, chỉ khoảng 20–30% doanh nghiệp niêm yết và tập đoàn nhà nước thực sự bắt tay vào nguyên cứu và thử nghiệm chuyển đổi, trong khi khối SME gần như chưa tiếp cận được chuẩn mực mới.
Những “người đi đầu” như Vingroup, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay một số ngân hàng thương mại lớn đã hợp tác với các công ty Big Four để thiết lập ban dự án IFRS, xây dựng mẫu báo cáo (template) và áp dụng thí điểm trên các nghiệp vụ phức tạp như hợp đồng cho thuê tài chính và dự phòng nợ phải thu.
Tuy nhiên, việc triển khai không phải không khó khăn. Trước hết là hạn chế về nhân lực chuyên môn: nhiều doanh nghiệp, đặc biệt quy mô vừa và nhỏ, vẫn chưa phân biệt rõ các nguyên tắc ghi nhận và đo lường giữa VAS và IFRS, dẫn đến bối rối và dễ sai sót khi thực hiện các điều chỉnh về giá trị hợp lý hay phân bổ doanh thu theo từng “nhiệm vụ” (performance obligation) của hợp đồng.
Thứ hai, hệ thống công nghệ hiện tại hầu hết chỉ đáp ứng quy tắc VAS, thiếu các module tự động theo dõi và ghi nhận nghiệp vụ theo IFRS (ví dụ như yêu cầu tách nhỏ hợp đồng để ghi nhận doanh thu theo từng giai đoạn hoàn thành), khiến nhiều đơn vị phải “lách” bằng Excel, tăng gánh nặng nhập liệu thủ công và rủi ro sai sót.
Cuối cùng, vấn đề dữ liệu lịch sử cũng là rào cản lớn, để áp dụng IFRS, doanh nghiệp phải căn cứ trên chuỗi số liệu quá khứ phục vụ việc tính toán dự phòng, tỷ lệ phân bổ chi phí và ước tính luồng tiền chi tiết; song không ít đơn vị chưa lưu trữ đầy đủ hoặc lưu trữ ở các hệ thống rời rạc, làm gián đoạn quá trình đối chiếu và kiểm chứng số liệu.
Trong khi đó, sự thiếu vắng một văn bản hướng dẫn chi tiết cấp quốc gia khiến mỗi doanh nghiệp phải tự “mày mò” dịch và diễn giải IFRS, với nguy cơ lệch chuẩn và khó đảm bảo tính pháp lý cho báo cáo.
Kết quả, dù nhận thức về lợi ích của IFRS – gồm minh bạch hơn, so sánh quốc tế dễ dàng và định giá sát thực – đã rõ, tiến trình chuyển đổi vẫn diễn ra một cách chậm chạp và manh nha, đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ cả cơ quan quản lý, nhà cung cấp giải pháp công nghệ và chính đội ngũ quản trị tài chính doanh nghiệp.
Lộ trình pháp lý và dự thảo hướng dẫn
Đánh giá về thực trạng này, ông Trịnh Đức Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) khẳng định, năm 2025 chỉ là mốc đánh giá tính khả thi, không phải thời điểm bắt buộc, dẫn chiếu Quyết định 345/2020 của Thủ tướng.
Cũng theo ông, với Nghị quyết 56/2024 của Quốc hội (thông qua tháng 11/2024), Việt Nam đã chính thức mở đường cho việc soạn thảo Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VMS) – dự kiến tương thích chặt chẽ với IFRS và thay thế hệ VAS hiện tại.
Ông Vinh cho biết, lộ trình sẽ khởi đầu với cơ chế tự nguyện, ưu tiên tập đoàn lớn, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, sau đó triển khai cho công ty niêm yết và cuối cùng là khối SME với chế độ báo cáo đơn giản hóa.
Lộ trình áp dụng VMS, song hành với IFRS, được chia thành ba giai đoạn rõ ràng, nhằm tạo hành lang thoáng đãng cho doanh nghiệp làm quen, thử nghiệm trước khi bước vào quy định bắt buộc.
Giai đoạn đầu (2022-2025) là giai đoạn tự nguyện. Trong giai đoạn này, Bộ Tài chính khuyến khích, nhưng không bắt buộc, các tập đoàn lớn, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tiên phong tiếp cận và triển khai IFRS.
“Chúng tôi kỳ vọng những người đi trước như VinGroup, EVN hay một số ngân hàng TMCP lớn sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giúp hoàn thiện khung hướng dẫn kỹ thuật,” ông Vinh nhấn mạnh.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã thành lập ban dự án riêng, hợp tác với Big Four để thử nghiệm ghi nhận doanh thu theo từng nghĩa vụ thực hiện và xác định giá trị hợp lý cho tài sản thuê tài chính.
Giai đoạn tiếp theo chính là tiền bắt buộc. Ngay sau khi VMS được Quốc hội thông qua và ban hành chính thức, nhóm doanh nghiệp tiên phong sẽ chuyển từ cơ chế tự nguyện sang bắt buộc.
Thời điểm này được coi là bước ngoặt để đánh giá khả năng thích ứng và điều chỉnh kịp thời các quy trình nội bộ. Sẽ dành một khoảng "chuyển giao kỹ thuật" để doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống báo cáo, trước khi chính thức áp dụng bắt buộc.
Giai đoạn thứ ba tập trung vào mở rộng cho SME. VMS sẽ áp dụng với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, song với chế độ báo cáo đơn giản hóa, giảm bớt yêu cầu về lưu trữ và phân tích dữ liệu phức tạp.
Đây là nỗ lực để cân bằng giữa mong muốn minh bạch thông tin tài chính và thực tế năng lực nguồn lực của SME.
Với ba giai đoạn này, Việt Nam kỳ vọng từng bước “mềm dẻo” trong chuyển đổi, giúp doanh nghiệp thích nghi từ từ, đồng thời kiến tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc tuân thủ chuẩn mực toàn cầu trong tương lai.
Ông Vinh cũng nhấn mạnh, thông tư hướng dẫn hiện tại mới chỉ mang tính định hướng pháp lý, chưa đi sâu vào nghiệp vụ kỹ thuật.
Mọi hướng dẫn chi tiết về ghi nhận doanh thu, định giá tài sản hay quản lý thuê tài chính sẽ được xây dựng trên nền tảng VMS, do đó việc thành lập ban soạn thảo VMS – phân chia thành khoảng 40 nhóm chuyên trách, mỗi nhóm chịu trách nhiệm một chuẩn mực – đang được gấp rút triển khai.
Trong phần thảo luận về cấu trúc nội dung dự thảo thông tư, ông Trịnh Đức Vinh nhấn mạnh bốn trụ cột then chốt, được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý toàn diện và linh hoạt.
Đối tượng và phạm vi áp dụng được xác định rõ ràng: từ các tập đoàn lớn, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước đến công ty đại chúng, với lộ trình mở rộng dần về phía khối SME.
“Chúng tôi đặt mục tiêu bao phủ những đơn vị có ảnh hưởng lớn lên thị trường tài chính trước, sau đó mới mở rộng phạm vi để đảm bảo khả năng vận hành ổn định”, ông Vinh cho biết.
Thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Tài chính, song có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán kiểm toán Việt Nam. Theo dự thảo, mọi sửa đổi về nội dung VMS sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, thông qua hội thảo định kỳ, trước khi trình Chính phủ ban hành.
Về thể thức trình bày báo cáo tài chính, dự thảo quy định nguyên tắc sắp xếp thông tin, cách diễn giải chỉ tiêu và yêu cầu tiết lộ thông tin quan trọng. Doanh nghiệp sẽ phải sử dụng mẫu báo cáo chuẩn, song vẫn được linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với đặc thù ngành nghề.
Cuối cùng, tổ chức thực hiện đặt ra trách nhiệm rõ ràng cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Doanh nghiệp phải thành lập bộ phận IFRS chuyên trách, chịu trách nhiệm giám sát quá trình soát xét và báo cáo; trong khi Bộ Tài chính sẽ thành lập ban giám sát, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và cập nhật các sửa đổi chuẩn mực.
Ông Vinh khẳng định, sự phân vai rõ ràng sẽ giúp quá trình áp dụng diễn ra minh bạch, hiệu quả và bền vững. Khi chưa có văn bản hướng dẫn kỹ thuật chính thức từ nhà nước, nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup hay các ngân hàng thương mại đã chủ động hợp tác với Big Four để tiếp cận bản gốc IFRS và triển khai các case-study nội bộ.
Điều này giúp họ sẵn sàng “chạy đà” cho giai đoạn bắt buộc, đồng thời góp ý thực tiễn cho ban soạn thảo VMS. Tuy nhiên, ông Vinh lưu ý, mọi hướng dẫn từ Big Four hiện vẫn chỉ mang tính chất tham khảo chuyên môn, chưa có giá trị pháp lý bắt buộc .
Tổng quan có thể đánh giá rằng, khung pháp lý tại Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ tự nguyện đến bắt buộc, với mốc then chốt là sự ra đời của VMS.
Doanh nghiệp nào chuẩn bị sớm về nhân sự, quy trình và công nghệ sẽ có lợi thế kép, vừa bảo đảm tuân thủ, vừa nâng cao minh bạch và khả năng so sánh quốc tế trong kỷ nguyên số hóa tài chính.
Công Hiếu