Chuyển đổi số logistics tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuyển đổi số logistics tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
9 giờ trướcBài gốc
Chiều 9/1, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Thương mại số tại Việt Nam (VDT) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics”.
Logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất xã hội, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước.
"Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu," ông Trần Thanh Hải nói.
Cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Về chuyển đổi số trong logistics, ông Trần Thanh Hải thông tin, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200 ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”.
Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
"Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hiệu quả, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao".
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Việt Nam đang trở thành trung tâm lý tưởng cho vận chuyển hàng hải
Theo số liệu tại hội nghị, Việt Nam hiện có hơn 35.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó trên 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về cơ cấu, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất với 95,9%, tiếp đến là doanh nghiệp FDI (2,3%), hợp tác xã (1,4%) và doanh nghiệp Nhà nước (0,4%).
Các doanh nghiệp dịch vụ logistics tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển mạnh như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai.
Về cơ cấu ngành nghề, hoạt động chính của các doanh nghiệp dịch vụ lô diện tích là vận tải đường bộ (56,2%), dịch vụ chuyển phát và kho bãi (35,5%), và dịch vụ hỗ trợ vận tải (5%).
Ông Trevor O'Regan, Chuyên gia quốc tế, Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID cho biết, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi có vị trí chiến lược, đường bờ biển trải dài cùng các cảng quốc tế lớn (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Vũng Tàu) khiến Việt Nam trở thành trung tâm lý tưởng cho vận chuyển hàng hải.
Bên cạnh đó, logistics chiếm khoảng 4,5% GDP tại Việt Nam và đang tăng trưởng với tốc độ 14-16% mỗi năm. Chính phủ cũng đang đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, bao gồm xây dựng đường cao tốc mới, mở rộng sân bay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, chuỗi cung ứng của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như chi phí logistics cao, khoảng cách về cơ sở hạ tầng và các quy định phức tạp trong một số trường hợp.
“Ngành logistics của Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, với 68% công ty đầu tư vào công nghệ mới. Các đổi mới chính bao gồm hệ thống quản lý kho bãi và vận tải, dự báo dựa trên AI và các giải pháp theo dõi lộ trình dựa trên Internet vạn vật (IoT). Điều này giúp các công ty vượt qua khoảng cách về cơ sở hạ tầng, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các ngành sản xuất chế tạo và thương mại điện tử đang mở rộng của Việt Nam".
Ông Trevor O'Regan, Chuyên gia quốc tế, Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID
Trình bày dự thảo Báo cáo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị" do nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của Dự án Thương mại số tại Việt Nam (VDT) thực hiện, bà Phạm Thị Lan Hương, Chuyên gia trong nước, Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID cho hay, dự án nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các nhóm ngành dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải và giao hàng chặng cuối tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.
Theo bà Lan Hương, kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics tương đối cao.
"Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. Nguồn vốn hạn chế, sự đầu tư nguồn lực, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số còn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics hiện nay, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ," bà Lan Hương cho hay.
Giải pháp để ngành logistics Việt Nam "vươn mình"
Đối với những rào cản, hạn chế nêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, thống nhất kiến nghị với cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng về một số chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong logistics, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ, góp phần từng bước đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Cụ thể, chuyên gia Trevor O'Regan khuyến nghị rằng, Việt Nam nên xem xét phát triển các doanh nghiệp phục vụ mục đích đặc biệt (Special Purpose Vehicle – SPV) đẳng cấp thế giới để trở thành quốc gia dẫn đầu về đổi mới logistics.
"Đồng thời, xem xét thành lập một trường đại học và viện nghiên cứu chuyên về chuỗi cung ứng toàn cầu với AI, thương mại số, logistics và tính bền vững để giáo dục đào tạo kỹ thuật và dạy nghề về quản lý chuỗi cung ứng và logistics," ông Trevor O'Regan đề xuất.
Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam nên đặt mục tiêu trở thành top 5 trung tâm logistics xanh toàn cầu để đầu tư trong dài hạn. Cùng với đó là hợp tác chặt chẽ hơn với Thái Lan để tận dụng lợi thế của nhau trong việc biến hai nước láng giềng ASEAN thành địa điểm hàng đầu thế giới về logistics và thương mại điện tử.
Ông Trevor O'Regan cũng đề xuất thành lập quỹ khởi nghiệp logistics xanh do Nhà nước hậu thuẫn, tập trung vào việc đưa những ý tưởng mới và các giải pháp sáng tạo về logistics xanh ra thị trường. Từ đó, tạo nguồn cung đa dạng về các giải pháp chuyển đổi số với chi phí hợp lý, giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn tối ưu hơn.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.
Đối với doanh nghiệp, bà Phạm Thị Lan Hương cho rằng, các doanh nghiệp trước tiên nên tự giải quyết bài toán nội lực trong khi chờ đợi những thay đổi từ các yếu tố khách quan.
“Về nhận thức, tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp không có cùng nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, điều này tiềm ẩn nguy cơ chống đối trong giai đoạn đầu triển khai.
Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược/kế hoạch chuyển đổi số, thể hiện vai trò của tất cả các bộ phận trong kế hoạch đó. Đồng thời, truyền thông đầy đủ và xây dựng cơ chế KPI cho các đầu mục công việc về chuyển đổi số. Chia nhỏ mục tiêu chuyển đổi số, làm từ những ứng dụng đơn giản trước. Tìm kiếm các giải pháp dạng “on cloud” thay vì viết riêng cho doanh nghiệp mình," bà Lan Hương nêu đề xuất.
Bà Bùi Thị Hải Yến, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics trước tiên là thay đổi tư duy người lãnh đạo, sau đó là phải thay đổi các khái niệm vốn đã quá quen thuộc, phản ánh phương thức logistics truyền thống. Theo bà, chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ mà trước tiên là vấn đề về cơ chế và nhận thức.
“Thời vận của Việt Nam nay đã khác, các yếu tố cần và đủ đã hội đủ, cả xã hội đang 'vươn mình'. Trong đó, các công trình kiến tạo logistics hiện đại đang được hình thành với các cảng quốc tế, mạng lưới đường sắt tốc độ cao liên vận quốc tế, các trung tâm logistics hiện đại. Vì thế, chiến lược phát triển logistics Việt Nam không chỉ là tự lo cho tốt mà phải vươn lên, vươn xa trở thành một trong những trung tâm logistics tiên tiến hàng đầu trong khu vực và quốc tế,” bà Yến nhấn mạnh.
Thu Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/chuyen-doi-so-logistics-tao-loi-the-canh-tranh-cho-viet-nam-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-37400.html