Chuyển đổi số nâng chất thương mại - dịch vụ

Chuyển đổi số nâng chất thương mại - dịch vụ
18 giờ trướcBài gốc
Thời gian gần đây, cách thức bán hàng trực tuyến (livestream) được nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.
Để thích ứng với thời đại công nghệ số, nhiều siêu thị, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong công tác quản lý, giới thiệu sản phẩm và bán hàng, như: Hỗ trợ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, bán hàng thông qua các nền tảng số...
Đơn cử như Siêu thị Aloha mall Thái Nguyên với 2 hệ thống siêu thị tại TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công, mỗi siêu thị rộng trên 10.000m2, kinh doanh trên 2.000 mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm... Ông Dương Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Aloha Thái Nguyên, chia sẻ: Trong công tác quản lý nội bộ, Aloha thuê đơn vị cung cấp phần mềm (ERP) giúp cho các công đoạn từ nhập hàng, nhập kho, tra cứu thông tin hàng hóa, kiểm hàng xuất nhập tồn, báo cáo tài chính nhanh… đều được số hóa. Nhờ đó, công việc của cán bộ quản lý và giám sát thuận lợi hơn trước rất nhiều. Còn trong hoạt động bán hàng, Aloha đã hợp tác với hệ thống các ngân hàng (như BIDV, Vietinbank) để hỗ trợ khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thông qua mã QR hoặc POS quẹt thẻ tín dụng.
Anh Nguyễn Duy Hưng, ở xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) - một khách hàng quen thuộc của Siêu thị Aloha mall Thái Nguyên, nói: Khi đến mua sắm tại Siêu thị Aloha, tôi không cần mang theo tiền mặt vì ở đây có hỗ trợ khách hàng tạo mã QR để thanh toán bằng các App ngân hàng cài đặt trên điện thoại thông minh. Nhờ đó, khách hàng không phải mất nhiều thời gian chờ đợi thanh toán như trước đây.
Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên) hỗ trợ khách hàng tạo mã QR thanh toán bằng các APP ngân hàng được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Tương tự tại Siêu thị Minh Cầu, ngoài hỗ trợ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt thì ứng dụng CĐS trong hoạt động thương mại còn bằng việc bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, website (https://minhcaumart.vn/), email (cskh.minhcaumart@gmail.com), APP Siêu thị Minh Cầu...
Bà Nguyễn Thị Ngọc, ở phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), cho hay: Vì tính chất công việc bận rộn nên tôi thường xuyên đặt mua hàng trên APP Minhcaumart cài trên điện thoại thông minh. Tôi thấy rất tiện vì mình có thể đặt mua hàng bất cứ thời gian nào, bất cứ đâu, không phải mất thời gian di chuyển đến siêu thị chọn lựa và xếp hàng chờ đợi thanh toán như trước. Hơn nữa, dịch vụ giao hàng đúng hẹn và mặt hàng giao được bảo đảm chất lượng.
Không chỉ siêu thị, trung tâm thương mại lớn mà ngay những cửa hàng nhỏ lẻ, tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng đã hỗ trợ khách hàng thanh thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Lê Thị Hạnh, một tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Ba Hàng (TP. Phổ Yên), cho biết: Phần lớn tiểu thương ở chợ đều tạo mã QR để khách hàng mua hàng và thanh toán qua điện thoại thông minh mà không cần dùng tiền mặt. Điều này mang lại nhiều tiện ích như giảm rủi ro tiền giả, dễ dàng quản lý tiền bạc, thanh toán nhanh chóng, tiết kiệm thời gian đối với cả người bán và người mua.
Nhằm ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, hệ thống Siêu thị Minh Cầu lắp đặt máy tích mini kiểm tra giá sản phẩm, mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng khi trải nghiệm mua sắm.
Thực tế cho thấy, CĐS trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển nhanh, mạnh. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 67,4 nghìn tỷ đồng, bằng 105,6% kế hoạch năm, tăng 20% so với thực hiện năm 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 48,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15%.
Hiện nay, doanh số thương mại điện tử tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…) ngày càng được mở rộng.
Có được kết quả nói trên là nhờ tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhiệm vụ CĐS bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể. Đơn cử như Sở Công Thương đã xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn. Kết quả có hơn 2.700 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh được cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử này. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ cấp mã truy xuất nguồn gốc (QR code) miễn phí cho tất cả các sản phẩm của tỉnh; tư vấn, hỗ trợ thủ tục đăng ký website, app, sàn thương mại điện tử trực tuyến với Bộ Công Thương; đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch...
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì khó khăn CĐS trong hoạt động thương mại là còn nhiều doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh vẫn còn chưa biết bắt đầu CĐS từ đâu; chưa tiếp cận được các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng thương mại điện tử... Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được các cơ quan Nhà nước định hướng giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số bảo đảm tiện ích, an toàn và thông minh…
Hoàng Cường
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/chuyen-doi-so-nang-chat-thuong-mai-dich-vu-ca132ad/